Không để tái diễn tình trạng khai thác đất san lấp trái phép

16:25, 04/05/2021

Mặc dù, chính quyền của huyện, xã đã vào cuộc ngăn chặn nhưng thời gian qua, tình trạng san gạt, vận chuyển đất san lấp trái phép vẫn xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Đồng Hỷ đang quyết liệt vào cuộc, kiên quyết không để tình trạng san gạt, vận chuyển đất trái phép tái diễn.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Trước đây, khi xảy ra các vụ khai thác đất san lấp trái phép, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các phòng, ngành liên quan của huyện phối hợp với địa phương nơi xảy ra vụ việc để tăng cường việc kiểm tra, xử lý ngăn chặn. Yêu cầu các địa phương này thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát, lập biên bản xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, địa điểm xảy ra việc khai thác trái phép thường ở khu vực đồi núi hiểm trở, hơn nữa, cán bộ trong tổ công tác thường là kiêm nhiệm nên không thường xuyên kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc một số điểm vẫn tái diễn. Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu của người dân về việc san gạt đất đồi để xây dựng nhà cửa, chuồng trại lớn, nên nhiều người tự thuê máy móc để đào xới, vận chuyển đất đi nơi khác. Điều này cũng khiến công tác quản lý đất san lấp của huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Một trong những địa phương xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép là xã Hóa Trung. Năm 2020, trên địa bàn xã này đã xảy ra 2 vụ khai thác, vận chuyển trái phép đất san lấp. Địa phương đã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động và xử phạt người vi phạm là 8,5 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Trung cho biết: Địa điểm xảy ra việc san gạt đất trái phép vừa qua ở xa khu vực trung tâm xã, lại giáp ranh với xã Hóa Thượng nên chỉ khi người dân báo lên, chính quyền địa phương mới phát hiện sự việc. Đây cũng là lý do khiến việc này tái diễn lần thứ hai trên địa bàn sau đó 2 tháng.

Còn ông Đoàn Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo - địa phương cũng để xảy ra 2 vụ khai thác đất trái phép trong năm 2020 cho biết: Để chấn chỉnh hoạt động này, ngay sau đó, xã đã thành lập tổ công tác, thành phần gồm đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Công an xã, công an viên và các trưởng xóm để thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm soát ở khu vực đã xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm.

Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác đất san lấp rất lớn, bình quân mỗi m3 đất có thể thu từ 30.000-40.000 đồng nên khả năng tái diễn tình trạng khai thác trái phép tại các địa phương sẽ rất cao. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng này, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tăng cường các giải pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện tổ chức ký cam kết.

Theo đó, chủ tịch UBND 15 xã, thị trấn cam kết với Chủ tịch UBND huyện về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Trường hợp để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý mà không ngăn chặn, giải tỏa hoặc để tái diễn sẽ tự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Trong bản cam kết, huyện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản với nhân dân địa phương, nhất là các hộ dân xung quanh khu vực có khoáng sản; chỉ đạo trưởng các xóm, tổ dân phố ký cam kết với chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện giám sát, phản ánh kịp thời tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản theo thẩm quyền… Việc thực hiện ký cam kết của chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương với cấp trên trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.