Lan tỏa phong trào cựu chiến binh làm giàu

09:17, 25/05/2021

“Giai đoạn 2016-2021, số hộ do cựu chiến binh (CCB) làm chủ có kinh tế khá và giàu tăng từ 144 lên 165 hộ; số hộ CCB nghèo, cận nghèo giảm 3 hộ. Hiện toàn hội còn 2 hộ CCB nghèo do tuổi cao, không có sức lao động, không có thu nhập ổn định.” Ông Tống Văn Nguyên, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) tự hào chia sẻ.

Hội CCB thị trấn Giang Tiên có 7 chi hội, với 230 hội viên. Đối với các phong trào ở địa phương, hội viên CCB luôn gương mẫu, đi đầu. Trong đó, phong trào làm kinh tế giỏi ngày càng được lan tỏa trong tổ chức hội. Thực hiện phong trào Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, nhiều mô hình tạo nguồn vốn tại chỗ của CCB đã phát huy được hiệu quả, như: Mô hình góp vốn xoay vòng của các CCB cùng sở thích; vốn xây dựng chân quỹ từ các chi hội. Đến nay, các nguồn vốn tự tạo của CCB thị trấn đã đạt hàng trăm triệu đồng, được hội viên thống nhất sử dụng luân phiên, ưu tiên cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi, hoặc lãi suất thấp. Cùng đó là nguồn vốn vay thông qua các tổ chức tín dụng của Hội CCB thị trấn hiện đạt dư nợ hơn 1 tỷ đồng. 
 
Để các nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục tiêu, góp phần thiết thực giúp các CCB nghèo có hướng phát triển kinh tế hiệu quả, Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng mềm trong kinh doanh, tiếp thị; kinh nghiệm sử dụng vốn vay hiệu quả khi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, hội viên CCB thị trấn đã phát triển được các mô hình kinh tế hiệu quả như: Trồng cây ăn qủa, chăn nuôi lợn, gà, mở xưởng cơ khí... Tỷ lệ hộ do CCB làm chủ có kinh tế khá và giàu ở thị trấn đạt cao, từ 60% số hộ năm 2016 tăng lên 70% vào năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,9%, đều là những hộ cao tuổi, không có sức lao động và đang tiếp tục được Hội CCB giúp đỡ. 
 
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Giang Tiên có 1 doanh nghiệp nhỏ và vừa do CCB làm chủ; 1 gia trại chăn nuôi lợn với quy mô tổng đàn từ 500-700 con/lứa; 25 hộ kinh doanh dịch vụ; 20 hộ tiểu thủ công nghiệp. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều có sự tham gia của hội viên CCB, như: Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ ăn uống, nhà thuốc đông y, tây y và nhiều các dịch vụ tổng hợp… Các mô hình này thu hút gần 100 lao động địa phương. Điển hình như mô hình kinh doanh, khai thác, chế biến than của CCB Vũ Thanh Hà, Chi hội Giang Bình tạo việc làm cho gần 20 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng; gia trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của CCB Trần Văn Nam, Chi hội Giang Long đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất, dịch vụ cơ khí của CCB Lê Công Chính, Chi hội Giang Tiên đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Có thể nói, phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo đã trở thành một phong trào lớn ở thị trấn Giang Tiên. Kinh tế gia đình ổn định, các hội viên CCB thị trấn Giang Tiên tích cực tham gia đóng góp xây dựng các phong trào tại địa phương. Giai đoạn 2016-2020, hội viên CCB thị trấn đã đóng góp hơn 100 triệu đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ủng hộ gần 55 triệu đồng cho các quỹ theo quy định của Nhà nước… 
 
Và trong cuộc sống hằng ngày, tình người vẫn tiếp tục lan tỏa bằng những hành động thiết thực như giúp đỡ trực tiếp đối với những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. CCB Hoàng Minh Trường, chi hội Thăng Long chia sẻ: Trong Hội chỉ còn gia đình tôi và CCB Nguyễn Viết Tranh do cao tuổi, bệnh tật nên không thể thoát nghèo. Dù vậy, chúng tôi luôn được đồng đội cảm thông, thường xuyên chia sẻ về vật chất, tinh thần, giúp đỡ chúng tôi có cuộc sống ổn định.