Thái Nguyên là tỉnh có số lao động trong các khu công nghiệp lớn (trên 80.000 người), trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 70%, lượng công nhân di chuyển hằng ngày bằng phương tiện giao thông giữa nơi làm việc và nơi ở cũng rất lớn. Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là tại một số tỉnh, thành trong khu vực, các chuyên gia nhận định các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh có nguy cơ cao trước “làn sóng” dịch; thiệt hại là khó lường nếu xảy ra dịch bệnh.
Trước bối cảnh đó, Ban quản lý các KCN tỉnh và từng doanh nghiệp (DN) đều ý thức cao về nguy cơ dịch, tích cực, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban quản lý các CKN tỉnh cho biết: Chúng tôi triển khai đầy đủ, kịp thời thông tin, văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch; kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên; chú trọng phối hợp với các ngành và địa phương liên quan. Thời gian gần đây, Ban liên tục ban hành các văn ban chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các DN; yêu cầu DN kích hoạt ngay các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và đảm bảo đủ lượng vật tư cần thiết. Tổ chức tập huấn và yêu cầu tất cả DN khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo, tổ phản ứng nhanh, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch và báo cáo hằng ngày về Ban; xây dựng, tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống dịch, đồng thời quản lý, kiểm soát chặt chẽ lịch trình di chuyển của công nhân, chuyên gia và đối tác. Ban cũng yêu cầu các DN ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch cho đội ngũ công nhân và chủ DN được Ban quản lý các KCN tỉnh rất chú trọng, thông qua hệ thống băng zôn, loa truyền thanh trong KCN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác phòng,chống dịch ngày càng phát huy hiệu quả. Anh Lê Duy Quý, chuyên viên Ban quản lý các KCN tỉnh chia sẻ: Nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp và đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời giữa Ban và các DN, chúng tôi lập nhóm Zalo với hơn 200 thành viên. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và mọi thông tin liên quan đều được cập nhật lên nhóm, ngược lại, đại diện các DN cũng thường xuyên, thuận lợi khi báo cáo, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Chúng tôi có những số điện thoại tiếp nhận, xử lý thông tin 24/24h từ DN, sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho họ bất kể thời điểm nào.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đúng hướng dẫn, Ban quản lý các KCN tỉnh đang tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra cụ thể từng DN. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra tại KCN Điềm Thụy, cơ bản các DN thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch. Số ít DN thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa đúng các hướng dẫn của ngành Y tế và yêu cầu của Ban, chúng tôi kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn DN khẩn trương khắc phục.
Ý thức được sự “sống còn” của mình trước nguy cơ xảy ra dịch, nhiều DN trong các KCN của tỉnh đã và đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp, thậm chí cao hơn mức khuyến cáo và những hướng dẫn chuyên môn. Ông Jang Ic Sang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Samju Vina (DN vốn đầu tư Hàn Quốc tại KCN Điềm Thụy, hiện có trên 1.600 công nhân) nói: Cơ quan chức năng của Việt Nam hướng dẫn rất chi tiết, sát sao về phòng chống dịch. Về phía mình, DN chúng tôi cũng ý thức rất rõ về nguy cơ dịch bởi nếu không may xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Ngày 8-5 vừa qua, có 1 F1 là công nhân của Công ty được phát hiện, chúng tôi lập tức báo cáo cơ quan chức năng truy vết các F2 và F3, tổ chức nghiêm việc cách ly và khử khuẩn dây chuyền sản xuất. Công ty cũng bố trí sản xuất và sinh hoạt của công nhân đảm bảo khoảng cách, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng dịch bệnh…
Tính đến 17 giờ ngày 13-5, trong các KCN của tỉnh có 13 trường hợp F1 được phát hiện và đã cách ly tập trung, cơ quan chức năng đã khẩn trương truy vết các F2, F3, yêu cầu nhiều trường hợp cách ly tại nhà, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe theo quy định. Hiện, phần lớn DN trong các KCN vẫn duy trì sản xuất bình thường đồng thời quan tâm phòng, chống dịch.
Để đảm bảo sẵn sàng phương án ứng phó mọi tình huống, cấp độ dịch có thể xảy ra trong các KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh vừa xây dựng Kế hoạch ứng phó tình huống dịch COVID-19, xin ý kiến ngành Y tế trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất có thể. Mục tiêu là phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm COVID-19, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong; giảm thiểu tác động của dịch bệnh nếu xảy ra. Kế hoạch có đặt ra từng cấp độ (từ cấp độ 1 đến 5), kèm với đó là các tình huống giả định và biện pháp, phương án ứng phó cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân và DN trong KCN.
Có thể thấy, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các KCN đã và đang được cơ quan chức năng, DN quan tâm triển khai khẩn trương, quyết liệt. Tuy nhiên, với những đặc thù như đã nêu và diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong các KCN là không nhỏ nên không thể lơ là, mất cảnh giác. Thực tế tại một số tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và mới đây nhất là T.P Đà Nẵng đã phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong các KCN gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và lây lan ra cộng đồng. Ngày 12-5 vừa qua, trong cuộc họp trực tuyến với những địa phương này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp, ngành liên quan đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch trong các KCN.