Hiện nay, toàn tỉnh có 13 trạm biến áp 110kV với tổng chiều dài hơn 336 km và chủ yếu đi qua những địa hình phức tạp (đồi núi cao, rừng trồng...) tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố. Vì thế, để nâng cao độ ổn định cung cấp điện, cùng với công tác quản lý vận hành, hiện nay, Đội Quản lý vận hành (QLVH) lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Thái Nguyên) còn tích cực tuyên truyền tới người dân các biện pháp bảo vệ hành lang lưới điện cao áp.
Ông Nguyễn Văn Phường, Tổ trưởng Tổ quản lý đường dây 110kV (Đội QLVH lưới điện cao thế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, các tổ thao tác lưu động, tổ đường dây đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương (nơi có hệ thống lưới điện cao thế) đến tận nhà để tuyên truyền cho người dân về các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện cao thế. Nội dung tuyên truyền gồm: Tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm (trộm cắp, phá hoại gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện); thả các vật thể bay có khả năng gây hư hại đến công trình; khuyến cáo các đơn vị, chủ đầu tư, người dân khi thi công, cải tạo công trình xây dựng nằm trong hành lang lưới điện cao thế phải phối hợp với ngành Điện triển khai các biện pháp an toàn, bảo đảm khoảng cách theo quy định...
Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ hành lang lưới điện cao thế. Ông Mai Văn Chung, ở tổ 2, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Vừa qua, gia đình tôi đã đề xuất với ngành Điện hạ độ cao của khu vực đất đồi cách vị trí cột điện thuộc lưới điện 110kV khoảng 4m để xây dựng nhà xưởng phục vụ mục đích kinh doanh. Sau đó, tôi được Đội QLVH lưới điện cao thế tuyên truyền về việc bảo đảm hành lang lưới điện. Vì vậy, gia đình tôi đã ký cam kết hạ độ cao nền đất bắt đầu từ vị trí cách cột điện cao thế 10m; đồng thời có biện pháp phòng ngừa sạt lở chân cột điện. Tương tự, ông Hoàng Văn Dân ở xóm 5, xã Phú Xuyên (Đại Từ) cho hay: Sau khi được ngành Điện tuyên truyền về bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, vừa qua, gia đình tôi đã tự giác thu hoạch hơn 200 gốc keo 4 năm tuổi (nằm ngoài hành lang an toàn lưới điện từ 1-2m theo quy định) để tránh các sự cố gây thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Theo ông Đỗ Bá An, Đội trưởng Đội QLVH lưới điện cao thế: Việc người dân được tuyên truyền về bảo vệ hành lang lưới điện cao thế đã góp phần hạn chế các sự cố về điện. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, chưa có sự cố nào về điện xảy ra do người dân vi phạm trồng cây, xây dựng các công trình ngoài hành lang an toàn lưới điện; không có các vụ tai nạn xảy ra đối với người dân do mất an toàn lưới điện cao thế. Cũng thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã nâng cao nhận thức và tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho ngành Điện thực hiện công tác kiểm tra, sửa chữa lưới điện, chặt tỉa, giải tỏa cây trồng nằm trong hành lang an toàn lưới điện.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hạn chế hiện nay là còn một bộ phận người dân có thú vui thả diều, tiềm ẩn nguy cơ mắc vào đường dây, gây ra sự cố trên lưới điện cao thế, đặc biệt tại huyện Phú Bình, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên. Trước thực trạng đó, thời gian tới, ngành Điện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền tới người dân về những mối nguy hiểm khi thả diều gần đường dây điện cao thế; phối hợp xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó bảo đảm việc cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân.