Các đơn vị vận tải nỗ lực vượt khó

07:35, 21/06/2021

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh doanh vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để vượt qua thách thức, ngành Giao thông và các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực, với quyết tâm cao nhất để vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Vận tải Chùa Hang cho biết: Hiện nay, lượng hành khách đi xe buýt chỉ đạt hoảng 30-40% so với thời gian trước khi dịch tái bùng phát, còn hoạt động vận tải cố định gần như bị tê liệt. Mặc dù doanh thu chỉ đạt khoảng 30% so với trước đây, nhưng các chi phí: Thuế bến bãi, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm phương tiện… chúng tôi vẫn phải chi trả bình thường. Vì vậy để cắt giảm chỉ phí, đơn vị đã giảm ½ tần suất hoạt động đối với xe buýt và thỏa thuận với người lao động để cắt giảm một phần tiền lương để chia sẻ cũng doanh nghiệp.

Còn ông Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Mai Linh Thái Nguyên chia sẻ: Từ khi có dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người dân hạn chế đi lại, lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng nên doanh thu của đơn vị chỉ đạt 20% so với thời điểm trước dịch. Để duy trì hoạt động, đơn vị đã huy động nội lực, thực hiện các chương trình ưu đãi đối với khách hàng là hội viên. Đồng thời, có văn bản gửi Tập đoàn Mai Linh đề nghị được giảm phí quản lý cho lái xe để giữ chân người lao động.

Trước thực tế hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để thích ứng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan nói: Tháng 5-2020, khi thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe hợp đồng (lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp) đã tạm dừng. Trong thời gian đó, đơn vị tập trung chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách bằng các dịch vụ tiện ích, như: Thực hiện hợp đồng, mua vé online... Đồng thời, tiếp tục đầu tư phương tiện để mở rộng phạm vi hoạt động. Trước đây, xe hợp đồng Hà Lan Limousine chỉ chạy tuyến Hà Nội - T.P Thái Nguyên, nhưng đến nay, đơn vị đã mở rộng đến các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường hoạt động vận chuyển hàng theo hình thức chuyển phát nhanh. Nhờ vậy, Công ty vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. 

Còn ông Từ Văn Chung, Trưởng phòng Logistics Công ty CP thương mại Thái Hưng cho hay: Từ cuối tháng 5, nhiều tỉnh trong đó có Thái Nguyên yêu cầu tài xế đến địa phương phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp khi vừa khiến tăng chi phí phát sinh lại tốn thời gian xét nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghiêm túc chấp hành quy định. Hiện, 50/70 tài xế của đơn vị được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo được việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, an toàn. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi, với gần 1.900 đầu xe; hơn 500 nhà xe hợp đồng vận chuyển khách, với 710 đầu xe; 5 đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt, với gần 160 phương tiện và gần 1.000 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, với hơn 14.300 phương tiện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dù đang gặp rất nhiều khó khăn song các đơn vị đều cố gắng duy trì hoạt động. 

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin: Tất cả các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh đều bị sụt giảm doanh thu, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, doanh thu chỉ đạt 60-70%, còn vận tải hành khách chỉ đạt 20-30% so với trước khi có dịch… Để tích cực hỗ trợ các đơn vị này, Sở thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh liên quan đến lĩnh vực vận tải để triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, các đơn vị vận tải vẫn duy trì hoạt động, không có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, các đơn vị cũng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịnh, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân.