Chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm: Cao nhưng vẫn khả thi

07:15, 25/06/2021

Dự ước kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm nay cho thấy nhiều gam màu sáng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội. Mặc dù kinh tế của tỉnh vẫn đang tiếp đà phục hồi nhưng việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7% vẫn được coi là nhiệm vu nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.

Theo số liệu của ngành Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm nay của tỉnh ước đạt 6,5% (trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,78%, đóng góp 3 lớn nhất vào mức tăng trưởng chung với 3,93 điểm phần trăm; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,29%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 6,81%). Mức tăng trưởng của Thái Nguyên cao hơn mức chung của cả nước (5,8%), đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 2,63% của 6 tháng đầu năm ngoái. Điều đáng nói là so với các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế ngang bằng hoặc lớn hơn thì Thái Nguyên thuộc tốp đạt tăng trưởng cao nhất. 

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh phân tích: 6 tháng qua, nhất là từ cuối tháng 4, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng đã có nhiều tác động đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Đến thời điểm này, dù Thái Nguyên chỉ xuất hiện 4 ca dương tính, không phải vùng tâm dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh ngày càng cao. Không chỉ lĩnh vực giao thông, vận tải, thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực mà các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhất là DN FDI cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi chuỗi sản xuất ít nhiều bị gián đoạn, mất cân đối. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng. Nói vậy để thấy mức tăng trưởng 6,5% là kết quả từ sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân. Đồng thời cho thấy hiệu quả của việc thực hiện “mục tiêu kép” trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất phụ tùng xe máy phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công). Ảnh: V.D 

Đóng góp lớn nhất vào kết quả tăng trưởng 6 tháng qua của tỉnh là “đầu tầu” công nghiệp - xây dựng với mức tăng 6,78% (trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, khu vực kinh tế này chỉ tăng 2,45%). Riêng đối với giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, lũy kế 6 tháng qua ước đạt trên 361 nghìn tỷ đồng, tăng 8,65% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp địa phương tăng tới 18,48%. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Cũng trong 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều DN, dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh trong tương lai gần. Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư tiếp tục có nhiều khởi sắc, nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực, sử dụng công nghệ cao đã chọn Thái Nguyên làm “bến đỗ”. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng qua ước đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ… Những con số thống kê rất tích cực đó thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế đang tiếp tục đi lên.

Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng cả năm nay đạt 7% vẫn là nhiệm vụ nặng nề đối với Thái Nguyên, bởi nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nội tại, đặc biệt là nguy cơ dịch COVID-19 luôn tiềm ẩn. Một ví dụ cho thấy phần nào thực trạng này là tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh có 576 DN gia nhập thị trường (trong đó có trên 300 DN thành lập mới) thì cũng có tới 540 DN tạm dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Thêm nữa, số lao động trong các DN 6 tháng qua giảm khoảng 15% so với cùng kỳ và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Điều này phản ánh những khó khăn của DN trong việc duy trì và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% cả năm thì trong 6 tháng cuối năm, kinh tế của tỉnh phải đạt mức tăng 7,44% so với cùng kỳ. Mục tiêu này đượp đánh giá là cao trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Mặt khác, 6 tháng cuối năm ngoái, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh đồng loạt phục hồi tốt nên mức tăng trưởng khá cao. Vì vậy, mục tiêu 6 tháng cuối năm nay đạt tăng trưởng 7,44% càng không dễ thực hiện (đỏi hỏi giá trị tuyệt đối tăng thêm lớn). Trong đó, lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng của tỉnh là công nghiệp - xây dựng cần đạt mức tăng 8,5%, riêng công nghiệp cần tăng 8,9%, tức là phải đạt giá trị sản xuất 479.000 tỷ đồng, tăng 32,5% so với 6 tháng đầu năm.

Tuy mục tiêu tăng trưởng đề ra cao như vậy nhưng ông La Hồng Ninh cho rằng, tỉnh có thể đạt được, bởi các ngành kinh tế chính vẫn đang có đà tăng tốt. Điều quan trọng hàng đầu là phải khống chế tốt dịch COVID-19. Từng địa phương, DN cần xây dựng phương án cụ thể, linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép”, không để bị động trong phòng, chống dịch.

Nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm là 7% cũng như thực hiện tốt các mục tiêu phát triển, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án, tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Để các giải pháp đó được triển khai hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra cần sự nỗ lực, trách nhiệm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân.