Đảm bảo an toàn hồ chứa thải của các mỏ khai thác

07:57, 07/06/2021

Trên địa bàn tỉnh có nhiều bể chứa bùn thải, hồ quặng đuôi của mỏ khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó, hầu hết các bể quặng đuôi, hồ chứa bùn thải nằm ở vị trí cao nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là vào mùa mưa bão. Để tránh sự cố vỡ đập, tràn bùn, các ngành chức năng đã kiểm tra, giám sát đôn đốc chủ mỏ thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn hồ đập.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 120 mỏ khoáng sản hiện đang khai thác, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai… Nhiều mỏ khai thác khoáng sản, chế biến có bể chứa quặng đuôi, hồ chứa chất thải nằm ở vị trí cao nên vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở, tràn vào khu vực nhà dân và đất canh tác của người dân rất lớn.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa bùn thải, quặng đuôi. Để đảm bảo an toàn hồ đập, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các mỏ phải kiểm tra gia cố bờ đập, nạo vét bùn thải trong hồ. Yêu cầu UBND các xã đi kiểm tra công trình nhằm kịp thời phát hiện những bể, hồ có nguy cơ mất an toàn để đưa ra các biện pháp xử lý...

Vào đầu tháng 9-2019, sau trận mưa lớn, bể chứa bùn thải và bể lắng của Mỏ sắt Đại Khai, ở xóm Bình Minh, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã để xảy ra sự cố nước từ bể lắng tràn vào nhà dân trong xóm. Tuy thiệt hại không nhiều, nhưng cũng ảnh hưởng tới đời sống của một số hộ dân trong khu vực. Sau đó, ngoài việc hỗ trợ di chuyển nhà cho hộ dân bị ảnh hưởng, chủ Mỏ đã có nhiều biện pháp để gia cố. Đến nay, tình trạng mất an toàn hồ đập đã được phía đơn vị khai thác thực hiện nghiêm túc. Anh Trần Văn Đạt, Quản đốc Mỏ sắt Đại Khai cho biết: Từ tháng 3-2021, Mỏ đã dừng khai thác do hết hạn Giấy phép khai thác. Nhưng hiện nay, đơn vị vẫn bố trí 2 máy xúc và 5 công nhân trực vừa để nạo vét bùn thải trong bể nhằm nâng cao khả năng trữ nước, bùn thải và gia cố hệ thống bờ đập và khu vực cửa xả. Trong thời điểm mưa bão, chúng tôi sẽ bố trí người trức 24/24 để đề phòng sự cố.

Cũng giống bể chứa bùn thải của Mỏ sắt Đại Khai, bể chứa bùn thải của Mỏ chì kẽm Làng Hích, nằm ở vị trí tương đối cao so với nhà ở của người dân trong xã Tân Long. Khu vực này, vào mùa mưa, lượng nước đổ về khá lớn, chính vì vậy, việc thường xuyên ra cố, kiểm tra hồ đập là nhiệm vụ quan trong của đơn vị… Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Chì kẽm Làng Hích cho biết: Chúng tôi đều phải nâng cao trình của bờ đập cao hơn mực nước, bùn trong bể với khoảng cách từ 2-3m, bề rộng của thân đập từ 5-7m trở lên. Trước mùa mưa, chúng tôi đã khơi thông dòng chảy, làm rãnh thoát nước để tránh nước mừa tràn nhiều vào hồ…

Thời gian qua, hồ chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), ở xóm Bàn Cờ, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên cũng được gia cố để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Mở sắt Tiến Bộ cho biết: Với diện tích hơn 6ha, lại nằm ở vị trí cao nên vấn đề an toàn hồ chứa bùn thải được đơn vị đặc biệt quan tâm. Hiện nay, đơn vị đã gia cố, lu lèn, cắt tầng xong toàn bộ thân đập, đảm bảo bề rộng từ 10-15m. Đồng thời, đơn vị cũng thành lập đội an toàn, cứu hộ, cứu nạn và bố trí trực 24/24 trong thời điểm mưa bão. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cương, Trường phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 hồ, bể chứa bùn thải của các mỏ khai thác và chế biến khoáng sản. Các bể, hồ chứa bùn thải có diện tích từ 2-7ha, khả năng chứa hàng vạn khối nước và bùn thải. Vì vậy, vào đầu mùa mưa, cơ quan chức năng của tỉnh đều có văn bản đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập, bãi thải. Đồng thời, phối hợp với ngành và chính quyền địa phương đi kiểm tra một số đơn vị khai thác, chế biến có hồ chứa bùn thải, quặng đuôi. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đều chấp hành và có phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn hồ chứa bùn thải, quặng đuôi.