Để thương mại điện tử là “người bạn đồng hành” tiêu thụ nông sản

18:10, 09/06/2021

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở trên thế giới và trong nước thì việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử đã và đang thể hiện hiệu quả rõ nét trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất.

Hiệu quả rõ nét từ kênh bán hàng thương mại điện tử

Hiện nay, nhiều địa phương đang quan tâm, chú trọng đến công tác đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, ngày 19/5/2021, vải thiều Thanh Hà đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức thương mại điện tử.

Các đơn hàng vải thiều khi đặt mua tại sàn thương mại điện tử Voso trên “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nhận ưu đãi vận chuyển toàn quốc cho tất cả các đơn hàng dưới 20kg khi lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh. Thông qua hình thức chuyển phát nhanh của Viettel Post, sàn thương mại điện tử Voso sẽ đảm bảo vẹn nguyên về quy trình đóng gói và quá trình vận chuyển, lưu giữ tối đa hương vị tươi ngon của vải thiều Thanh Hà – đặc sản Hải Dương khi đến với khách hàng khắp 63 tỉnh, thành phố.

Hay tại Sơn La, nhận thấy tiềm năng lớn của sàn thương mại điện tử, địa phương đã đẩy mạnh việc đưa nông sản lên các sàn để chào hàng. Trong ngày 28/5, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình “Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021”.

Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, sản phẩm mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee từ ngày 28/5. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Đặc biệt, tại Bắc Giang, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong năm 2021, Bắc Giang đã có nhiều đổi mới trong công tác tiêu thụ vải. Đó là bên cạnh các thị trường truyền thống, tỉnh đã chào hàng và đưa vải thiều lên sàn giao dịch online.

Theo đó, với sàn hiện có vaithieu.vn, Bắc Giang tiếp tục kích hoạt cho năm nay. Cùng với đó, Bắc Giang đã phối hợp với một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở một gian hàng trên sàn Alibaba. Đồng thời, địa phương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa gian hàng của vải thiều Bắc Giang đến tất cả các sàn uy tín trong và ngoài nước như: Postmart, Voso.vn, …Đặc biệt, trong ngày 8/6, sản phẩm vải của tỉnh đã được chính thức được khai trương trên các sàn thương mại điện tử thông qua hội nghị trực tuyến quốc tế với 30 điểm cầu trong và ngoài nước, trong đó có các điểm cầu tại: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Singapore.

Đáng chú ý, theo ông Trần Quang Tấn, tính đến 16h ngày 7/6, trên tất cả 7 sàn thương mại điện tử mà vải thiều của tỉnh tham gia, Bắc Giang đã bán được 710 tấn vải, dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thực tế, dạo qua một số các sàn thương mại điện tử có uy tín, có thể thấy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay đang được chào bán ở những vị trí ưu tiên, cho thấy không khí sôi động của các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử này. Không những vậy, khi được đưa lên sàn, giá của các mặt hàng nông sản ghi nhận có mức giá tốt. Tiêu biểu, tại gian hàng điện tử voso.vn, ngày 8/6 có thể thấy lời chào hàng: nhận đơn từ 10/6 10kg vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang (loại 1), có giá 405.000 đồng. Đi kèm với đó là ưu đãi giao hàng nhanh cùng Viettelpost, cam kết sản phẩm 100% xuất xứ rõ ràng, đồng giá ship 25 nghìn đồng, tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, gian hàng này còn có sự lựa chọn khác cho khách hàng khi mua vải thiều loại 1 của Bắc Giang với số lượng 15kg, giá 570 nghìn đồng, tuy nhiên với mức giá ship 35 nghìn đồng.

Cùng với sản phẩm vải thiều, trên sàn thương mại điện tử này, mặt hàng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng được chào hàng với combo 2kg với giá 55 nghìn đồng. Hoặc khoai lang Nhật của tỉnh Vĩnh Long cũng đã tham gia trên sàn thương mại điện tử này với combo 10kg với mức giá 50 nghìn đồng; hay mận Tam Hoa Bắc Hà, Lào Cai, loại 1 combo 5kg với mức giá 250 nghìn đồng; bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn combo 2kg được chào hàng ở giá 40 nghìn đồng,…

Tương tự, tại sàn thương mại điện tử sendo, mặt hàng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang cũng được chào bán rộng rãi với 7kg loại 1 có giá 154 nghìn đồng; 12kg loại 1 với giá 264 nghìn đồng,...

Điều đó cho thấy sàn thương mại điện tử đã và đang thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để thương mại điện tử là “người bạn đồng hành”

Đánh giá về vai trò của sàn thương mại điện tử, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho rằng, sàn có ý nghĩa kết nối giữa người mua và người bán, giúp thay đổi phương thức tiêu thụ truyền thống chuyển sang phương thức hiện đại. “Chính vì vậy, trong mùa COVID-19 này, người mua, bán không phải giao dịch trực tiếp, hay nói một cách khác, “chỉ cần một click chuột là hoạt động mua bán đã được hoàn tất”. Đây là một xu thế tất yếu. Đồng thời, với giao dịch ở trên sàn này, nhanh hơn, đồng thời, minh bạch và công khai hơn” – ông Tấn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo ông Trần Quang Tấn, chính việc tham gia sàn thương mại điện tử buộc những người tham gia sàn phải đảm bảo những yếu tố kèm theo về yếu tố chất lượng. “Phải đảm bảo những tiêu chuẩn như chất lượng vượt trội, về cả mẫu mã, bao bì và thêm nữa là đảm bảo được các truy xuất. Tất cả những yếu tố đấy đều phải được đảm bảo” – ông Tấn cho hay.

Nhấn mạnh thêm về vai trò của sàn thương mại điện tử thông qua Chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” , ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng: “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Nói vậy để thấy, trong bối cảnh hiện nay, sàn thương mại điện tử đang rất được các địa phương, các doanh nghiệp quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Chính việc tham gia các sàn thương mại điện tử vừa đang góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản vừa chính đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với việc đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử đang tiếp tục chứng minh là hướng đi đúng đắn cho các địa phương và các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Để cho kênh tiêu thụ nông sản này tiếp tục vươn xa, thiết nghĩ, các doanh nghiệp, các chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Xây dựng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín và đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, để tạo niềm tin cho người mua hàng khi sử dụng kênh bán hàng này. Tránh việc “rao hàng một đằng, bán một nẻo”, để từ đó, khẳng định vai trò đắc lực của kênh thương mại hiện đại này trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi con người với con người không thể gặp gỡ, mua bán trực tiếp và giãn cách xã hội.

Tin tưởng sàn thương mại điện tử tiếp tục là “người bạn đồng hành” cho tiêu thụ nông sản Việt Nam, phát huy được những thế mạnh từ lợi thế tiếp cận người tiêu dùng - giao hàng nhanh, thông tin minh bạch về sản phẩm đến tay người tiêu dùng để từ đó “chuyên nghiệp hóa” bán hàng nông sản./.