Cũng như bình diện chung của thị trường trong nước và thế giới, những tháng gần đây, giá sắt thép xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, kéo giá của nhiều loại vật liệu “vọt” theo. Thực trạng này khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, hoạt động xây dựng dân dụng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, tiến độ của nhiều công trình bị chậm. Các chuyên gia cho rằng, nếu giá thép tiếp tục tăng hoặc duy trì ở mức cao như hiện nay thì sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tại thời điểm hiện nay, giá thép trên thị trường trong nước (nếu tính cả thuế giá trị gia tăng - VAT và chi phí vận chuyển tới chân công trình) đang ở mức khoảng 18-19 triệu đồng/tấn, tăng tới hơn 50% so với cuối năm ngoái. Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng, nhà phân phối cấp 1 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đơn vị chiếm khoảng 10% thị phần thép của cả nước, lý giải: Nguyên nhân chính khiến giá thép tăng “chóng mặt” và liên tục là do giá nguyên liệu (quặng sắt, thép phế, than…) trên thế giới tăng tới hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu sản xuất thép. Mặt khác, với vai trò là nước sản xuất và cung ứng thép lớn nhất thế giới, thời gian gần đây, Trung Quốc đã chuyển từ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhập khẩu thép, khiến nguồn cung trên toàn cầu bị thiếu hụt. Khi thị trường thế giới khan hiếm và giá tăng cao, một số nhà sản xuất lớn trong nước cũng gia tăng xuất khẩu phôi thép khiến nguồn cung trên thị trường nội địa càng bị hạn chế.
Câu hỏi đặt ra là khi giá thép tăng đột biến như vậy thì khâu nào hoặc ai sẽ được hưởng lợi, còn ai chịu thiệt? Ông Lê Thành Thực cho rằng, các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối không được hưởng lợi nhiều. Doanh thu tăng (chủ yếu do giá bán tăng) nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng, đồng thời, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, chúng tôi phải có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng và tích cực tìm nguồn cung để bù đắp. Trong khi đó, phần lớn nhà sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn bởi có thời điểm này, giá nguyên liệu tăng tới 2,6 lần so với cùng kỳ nhưng giá bán sản phẩm chỉ tăng khoảng 50%. Họ vẫn phải nhập nguyên vật liệu để duy trì sản xuất, cung ứng theo hợp đồng đã ký. Còn các nhà thầu xây dựng đương nhiên bị tác động mạnh mẽ nhất, đặc biệt là khi đã ký hợp đồng đơn giá (không thay đổi đơn giá) từ thời điểm đầu năm nay trở về trước.
Hiện nay, công trình nhà lớp học 2 tầng của Trường Mầm non Liên Cơ (ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai) vừa thi công vừa phải chờ cung ứng thép do khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, chỉ có số ít doanh nghiệp sản xuất thép tự chủ được một phần nguyên vật liệu là có lợi nhuận tăng đáng kể. TISCO là một ví dụ: 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Công ty tăng 35%, lợi nhuận trước thuế tăng 5 lần, nộp ngân sách tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vương Duy Hương, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Nhà máy cán thép Thái Nguyên (là 1 trong 3 cơ sở cán thép thuộc TISCO) cho biết: Ở thời điểm tiêu thụ khó khăn, lượng hàng tồn tại kho của Nhà máy có lúc lên đến hơn 40.000 tấn thép. Hiện nay, do ảnh hưởng của việc giá thép tăng, lượng sản xuất của chúng tôi hiện đạt 27.000 tấn/tháng, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó.
Như đã phân tích ở trên, khi giá thép tăng đột biến, ngoài số ít nhà sản xuất tự chủ được một phần nguyên vật liệu có lợi nhuận tăng thì các nhà phân phối, đặc biệt là nhà thầu đã ký hợp đồng đơn giá từ trước gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu thiệt hại. Ông Vũ Xuân Tuyền, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Thái (T.P Thái Nguyên) giãi bày: Chúng tôi đang thi công 6 công trình và đều đã ký hợp đồng trọn gói từ cuối năm 2020. Chi phí tăng cao cùng với những ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cả 6 công trình đều đang bị chậm tiến độ, trong đó 2 công trình phải tạm dừng thi công.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Ma Văn Ngọc, đại diện nhà thầu xây dựng công trình nhà lớp học 2 tầng của Trường Mầm non Liên Cơ (huyện Võ Nhai) cho biết: Chúng tôi ký hợp đồng gói thầu từ cuối tháng 1 năm nay (giá trị 8,5 tỷ đồng), khi đó, giá thép là 13 triệu đồng/tấn nhưng nay đã tăng lên 19,8 triệu đồng/tấn. Theo thiết kế thì công trình cần sử dụng 80 tấn thép, hiện còn thiếu trên 30 tấn nữa. Hiện tại, chúng tôi đang phải chờ do đại lý cũng bị khan hiếm hàng khiến tiến độ bị ảnh hưởng đáng kể. Và nếu giá vật liệu tiếp tục cao như hiện nay, nhà thầu sẽ lỗ vốn.
Không chỉ các nhà thầu, giá sắt thép liên tục tăng cũng tác động mạnh đến hoạt động xây dựng dân dụng và các cơ sở sản xuất cơ khí. Ông Nguyễn Thế Anh, người dân ở tổ 32, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi khởi công ngôi nhà từ tháng 3-2021 nhưng đến nay vẫn chưa xong phần thô, đang phải tạm dừng vì giá sắt thép và các loại vật liệu xây dựng tăng cao. Theo dự kiến ban đầu, chi phí xây dựng ngôi nhà khoảng 1,5 tỷ thì nay tăng lên gần 2 tỷ đồng…
Rõ ràng, việc giá thép tăng mạnh thời gian gần đây đã tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh, cụ thể và trực tiếp nhất là hoạt động xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy giá nhà ở tăng cao… Ở tầm vĩ mô, nếu giá thép và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao sẽ gây khó khăn cho công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan đã đề ra một số giải pháp nhằm kiềm chế đà tăng giá thép. Trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên, cùng với những giải pháp bình ổn thị trường, việc các cơ quan chức năng cập nhật báo giá vật liệu xây dựng thường xuyên hơn, xem xét, đề nghị cho phép điều chỉnh giá đối với một số dự án xây dựng là việc làm cần thiết.