Ham học hỏi ắt thành công

08:06, 23/06/2021

Nói đến chị Lê Thị Toán, sinh năm 1990, dân tộc Tày ở xóm Hiên Bình, bà con trong xã La Hiên (Võ Nhai) ai cũng biết. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Toán đã không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để phát triển mô hình kinh tế vườn đồi, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Chúng tôi đến thăm vào đúng thời điểm chị Toán đang thụ phấn cho những cây na ra đợt hoa muộn cuối cùng trong năm. Vừa nhanh tay làm việc, chị Toán vừa chia sẻ với chúng tôi: Đây là kiến thức tôi mới học được trong mấy vụ gần đây. Vì quả na thường chín rộ cùng lúc, có khi không kịp tiêu thụ nên tôi đã chia ra thành các đợt thụ phấn khác nhau để cây không đậu quả và chín cùng thời điểm. Cách thụ phấn này cũng giúp người trồng na chủ động được số quả trên một cây, quả lại to đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao. 

Đến cả bộ dụng cụ thụ phấn cho na cũng do chị Toán tự chế từ các ống nhựa loại nhỏ, bên trong ống đã được chị gạt phấn hoa đã chuẩn bị từ trước, rồi dùng 1 que nhỏ đẩy phấn rơi vào các nhụy hoa. Công việc nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, vậy nên để thụ phấn cho 2 mẫu na của gia đình, chị cũng phải thuê 2 người cùng làm liên tục trong gần 2 tháng.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện làm giàu của bản thân, chị Toán kể: Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên (hệ trung cấp), chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, tôi đi làm việc tại một số đơn vị tư nhân và xây dựng gia đình. Năm 2014, tôi xin vào làm kế toán hợp đồng tại Trường Mầm non Cúc Đường (Võ Nhai). Sau gần 6 năm công tác tại đây, đến đầu năm 2019, do đồng lương thấp, tôi xin nghỉ việc, về làm kinh tế và chăm sóc gia đình. Lúc ấy, hoàn cảnh gia đình chị khá khó khăn, 2 con nhỏ, chồng lại là bộ đội đi công tác quanh năm suốt tháng. Ngay sau khi quyết định phát triển kinh tế, tôi bắt tay vào trồng, chăm sóc và cải tạo 2 mẫu na của gia đình theo hướng VietGAP. 

Để chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, chị còn sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh là chế phẩm sinh học, vừa an toàn đối với người sử dụng mà lại thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích na của gia đình chị trong 2 năm trở lại đây đều cho doanh thu cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng.

Có nguồn thu nhập ổn định từ cây na, đến cuối năm 2019, chị Toán mạnh dạn vay người thân và vay thêm 400 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà theo mô hình khép kín tại xóm Đoàn Kết, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Có trong tay gần 1 tỷ đồng, chị đầu tư xây dựng trang trại có diện tích 1.000m2 đảm bảo các yếu tố: Kiên cố, sử dụng vật liệu cách nhiệt bao bọc quanh chuồng, nền trại có đệm lót sinh học dày khoảng 40cm được xử lý khử trùng hằng ngày. Cùng với hệ thống làm mát, bên trong trại gà còn có hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, khoa học. Tháng 6-2019, chị Toán bắt đầu thả lứa gà đầu tiên với khoảng 9.000 con. Giống gà được lựa chọn là gà ri Hòa Bình. Sau 115 ngày chăn nuôi, gà đạt trọng lượng 2,5-3kg và được xuất bán. Đến nay, chị Toán đã xuất bán được 6 lứa gà, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Toán cho biết: “Làm kinh tế có rất nhiều thử thách nhưng quan trọng là chúng ta phải biết tự tin, dám nghĩ, dám làm. Tuổi trẻ có kiến thức, có tinh thần ham học hỏi lại không ngại khó, ngại khổ thì hoàn toàn có thể thành công”. Những suy nghĩ và cách phát triển kinh tế của chị Toán không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học tập và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.