Hiểu khó khăn của doanh nghiệp để không làm hạn chế mục tiêu của chính sách

17:11, 19/06/2021

Thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “phải nghĩ thật, nói thật, làm thật”, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phải sát với thực tế của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và họ phải được thụ hưởng thật.

Với tinh thần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) có thêm các nguồn lực tài chính để vượt qua khó khăn do chịu ảnh hưởng từ năm 2020 và lường trước diễn biến dịch vẫn còn phức tạp trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, đây là chính sách có tác động rất tích cực, tiếp sức rất lớn cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực.

Trong bối cảnh khó khăn của DN, theo đánh giá của ông, Nghị định 52 ban hành sẽ có tác động tích cực đến DN như thế nào?

Chúng ta đều nhận thấy rằng, tác động của dịch COVID-19 trong hai năm qua đã làm cho các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hoặc không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng không có nguồn thu, hay doanh thu, dòng tiền vào DN đang bị hạn chế.

Theo đó, để có thể cầm cự và duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu khi dịch bệnh đi qua DN cần một nguồn lực tài chính để trang trải. Trong bối cảnh như vậy, DN cần tiền nhưng lại không có dòng tiền đó. Nghị định 52 ra đời sẽ giúp DN giải quyết được vấn đề trên. Đồng thời, giúp DN có dòng tiền để họ có thời gian sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền để cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều tra của VCCI công bố vào tháng 3/2021 về tác động của các chính sách hỗ trợ đối với DN để vượt qua khủng hoảng đã đánh giá ở 2 nội dung. Thứ nhất, mức độ dễ dàng tiếp cận đối với các chính sách. Tất cả DN đều đánh giá giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất là dễ dàng nhất trong việc tiếp cận so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm… Thứ hai, về độ hữu ích, đa số DN cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của DN. Nó phản ánh đúng tính chất, ý nghĩa như tôi vừa phân tích, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho DN trong việc cầm cự, trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo một số đxuất đối với một số nhóm đối tượng đáp ứng đủ các tiêu chí nhất định thì cơ quan thuế có thể áp dụng thủ tục tự động gia hạn theo Nghị định 52, rồi sau đó tăng cường khâu hậu kiểm? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trước hết, như chúng ta vừa phân tích, việc gia hạn thuế, tiền thuê đất, tức là lùi thời hạn, khoan sức dân, giúp DN bổ sung dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh. Như vậy đối với DN họ sẽ có 2 lựa chọn, một là sẽ thực hiện việc gia hạn, hoặc có những DN sẽ không thực hiện gia hạn vì có những lo lắng băn khoăn. Nên, việc tự động gia hạn theo tôi trong trường hợp này nó không đúng với ý nghĩa cũng như là quyền quyết định của DN. Vì vậy đối với những DN này, tôi lưu ý, đây chỉ là biện pháp tạm giãn, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tài chính. Họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ này vào thời điểm khác, vì vậy phải tính toán rất kỹ chiến lược kinh doanh để quyết định việc có gia hạn hay không.

Ngoài ra, tôi có một mong muốn nữa là Tổng cục Thuế tăng cường tuyên truyền về nội dung của quy địn để giải tỏa băn khoăn của DN về giá trị pháp lý của đề nghị tạm hoãn, giãn thuế. Đồng thời, nếu được, giả sử có những DN không đề nghị gia hạn, nhưng vì hoàn cảnh thực tế phát sinh khó khăn khiến họ không nộp đúng được các nghĩa vụ về thuế, thì trong trường hợp này ngành thuế nên cân nhắc không nên xử phạt chậm nộp thuế. Nếu được như vậy thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho DN trong trường hợp này.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh chủ trương là lấy người dân và DN làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật. Từ góc độ chuyên gia, ông có kiến nghị đề xuất gì để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN, người dân?

Tôi rất đồng tình với quan điểm cho rằng chính sách tốt mà không được triển khai hiệu quả thì đôi khi mục tiêu của chính sách bị hạn chế.

Theo đó, để triển khai hiệu quả Nghị định 52, thứ nhất về phía DN, cần suy nghĩ rất thận trọng, kĩ lưỡng về các biện pháp này để xác định khoản thuế nào chúng ta định giãn, giãn đến bao lâu và phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của DN; thứ hai, về vai trò của các hiệp hội DN để nghĩ thật, nói thật, làm thật thì hiệp hội phải hỗ trợ DN rất nhiều trong việc đưa ra quyết định này đó là DN cần hỗ trợ cả về mặt nội dung, chuyên môn ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục ra. Ngoài các hiệp hội DN, cơ quan thuế với bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ về thuế cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp DN xác định có đúng đối tượng được giãn, hoãn hay không để giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này chứ không chỉ hỗ trợ các bước hoặc hướng dẫn họ phải liên hệ với ai.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tư duy theo hướng đã làm tốt rồi thì không có nghĩa là dừng ở đây, mà phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể làm tốt hơn nữa hay không. Với tinh thần này, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho DN. Ví dụ giảm một phần nào đó nghĩa vụ về thuế hay có thể xem xét miễn giảm thuế VAT cho các vật tư, thiết bị phòng chống dịch chẳng hạn. Được như vậy thì sẽ hỗ trợ thiết thực cho DN, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép do Chính phủ để ra.