Làm giàu cho mình, tạo việc cho người

08:10, 29/06/2021

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 50 hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ và phần lớn nằm ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động của các HTX này không chỉ giúp thanh niên làm giàu ngay tại quê hương mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động là người địa phương. 

Đơn cử như HTX Nông nghiệp và Thương mại La Hiên do anh Trần Trọng Tấn, dân tộc Tày, sinh năm 1992, ở xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai) làm chủ. Sau một thời gian tìm hiểu thực tế, anh Tấn nhận thấy các loại nông sản địa phương thường có giá cả bấp bênh do không tìm được đầu ra ổn định. Từ đó, năm 2019, anh Tấn cùng với 7 thành viên khác trong xã thành lập HTX Nông nghiệp và Thương mại La Hiên, với tổng số vốn đóng góp là 500 triệu đồng. Hoạt động chính của HTX là chăn nuôi trâu, bò, lợn, hươu và trồng cây ăn quả (na, nhãn). Với cách thức liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hoạt động của HTX nhanh chóng đạt hiệu quả và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Trong 2 năm 2019-2020, HTX đã tiêu thụ được 37 con bò sinh sản và 20 con hươu, doanh thu mỗi năm đạt trên 1,2 tỷ đồng. 

Anh Tấn chia sẻ: HTX ra đời không chỉ giúp các thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm được đầu ra ổn định mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 

Ngoài HTX Nông nghiệp và Thương mại La Hiên, trên địa bàn xã La Hiên còn 2 HTX khác do thanh niên làm chủ. Mỗi HTX đang giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương. Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn xã có hàng nghìn người dân trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động do trình độ, sức khoẻ không đảm bảo nên gặp khó khăn khi đi xin việc. Việc ra đời các HTX không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn góp phần giải quyết việc làm cho những lao đông trên. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn xã đạt trên 95%.

Tương tự, HTX Nông sản an toàn ATK Định Hoá, xóm Đình Phỉnh, xã Phượng Tiến (Định Hoá) cũng đang giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàng Đình Lập, Giám đốc HTX chia sẻ: Vừa qua, HTX đã mở rộng quy mô trồng 2 loại sản phẩm chính (dưa chuột và dưa lê) thêm 0,5ha tại các xã Phúc Chu và Trung Lương. Thông qua việc liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm cho các hộ, chúng tôi đã tạo thêm được việc làm cho 5 lao động ở 2 địa phương trên. 

Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến đánh giá: Năm nay, HTX Nông sản an toàn ATK Định Hoá đã liên kết với 6 hộ dân ở 3 xóm Lợi B, Tổ, Đình Phỉnh với tổng diện tích sản xuất gần 9.000m2. Việc liên kết không chỉ tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động từ 35-40 tuổi trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có HTX sản xuất miến dong, mì gạo nhưng thời gian vừa qua hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, xã đang phối hợp với các thành viên trong HTX kiện toàn lại tổ chức để HTX phát triển trở lại, thông qua đó sẽ giải quyết được việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động ở địa phương.

Mặc dù đem lại những hiệu quả thiết thực, tuy nhiên hiện nay, số lượng lao động làm việc tại các HTX vẫn còn hạn chế. Theo đại diện các HTX, việc mở rộng quy mô sản xuất để thu hút thêm lao động đang gặp một số khó khăn như: Hạn chế về nguồn vốn đầu tư; thiếu mặt bằng sản xuất; thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng... Do đó, các HTX mong muốn trong thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương có những cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ những khó khăn trên, góp phần tạo động lực để các HTX phát triển hơn nữa.