Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu (GTXK) hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 11,3 tỷ USD, bằng 40,1% kế hoạch năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp.
Theo thông tin từ ngành chức năng, sở dĩ có được kết quả trên là do GTXK của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 98% trong tổng GTXK trên địa bàn tỉnh). Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại thông minh và máy tính bảng đạt 4,3 tỷ USD. Là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất điện thoại thông minh, đứng chân tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên), từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên vẫn ổn định. Trong đó, sản lượng điện thoại thông minh đạt trên 20 triệu sản phẩm, máy tính bảng đạt 4,4 triệu sản phẩm.
Cùng với điện thoại thông minh, các sản phẩm linh kiện điện tử và phụ tùng khác cũng đạt 6,5 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Chị Lưu Thị Nga, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Woojin QPD Vina, đơn vị chuyên sản xuất và gia công dây dẫn điện cho hãng xe ô tô Hyundai (Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: Từ đầu năm đến nay, sản lượng tiêu thụ xe ô tô của hãng Hyundai khá ổn định.
Cùng với đó, việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc không bị gián đoạn nên Công ty vẫn ký được các đơn hàng xuất khẩu và tạo việc làm ổn định cho hơn 380 lao động. Tương tự đối với Công ty TNHH Wiha Việt Nam ở KCN Sông Công I (T.P Sông Công), chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu sang châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất diễn ra khá sôi động.
Sản xuất gỗ ép công nghiệp xuất khẩu tại Công ty TNHH Thảo Anh Plywood (T.X Phổ Yên). Ảnh: H.C
Ông Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty phấn khởi: Chúng tôi đã ký được các đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 8-2021, với sản lượng 200 nghìn chiếc kìm và hàng triệu đầu tô vít các loại. Để đáp ứng được số lượng các đơn hàng đã ký, Công ty đang duy trì ổn định 3 ca sản xuất/ngày với gần 700 lao động (tăng thêm 200 người so với thông thường)...
Bên cạnh khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế trong nước cũng đóng góp tích cực vào GTXK trên địa bàn tỉnh với 193 triệu USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ). Trong đó, các lĩnh vực tiêu biểu như: Dệt may đạt 156 triệu USD (tăng 22,4%); sản xuất sản phẩm từ sắt thép đạt 12,4 triệu USD (tăng 18,4%).... Đối với các DN may của tỉnh, phần lớn các đơn vị đã ký kết được các đơn hàng đến hết quý II, thậm chí quý III/2021. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng (trụ sở chính ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) chia sẻ: Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài tìm đến DN để ký kết hợp đồng.
Đến nay, Công ty chúng tôi đã ký kết và đang sản xuất các đơn hàng cho quý III/2021.Và trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty ước đạt 1 triệu USD, bằng 40% kế hoạch năm và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cho hay: Vừa qua, tại một số quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu may lớn trên thế giới như Campuchia, Ấn Độ..., dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh khiến các đơn hàng may từ những nước này dịch chuyển sang Việt Nam. Đó là một trong những yếu tố giúp các DN dệt may trong nước có thể tháo gỡ được khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Theo ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Mặc dù đang trải qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng GTXK toàn tỉnh vẫn cơ bản đạt mức tăng trưởng bình quân năm. Theo phân tích, sđánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến tỉnh Thái Nguyên đạt được kết quả này, trong đó, phải kể đến sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng các DN và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương trong triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình dịch của một số nước trong khu vực châu Á chưa được kiểm soát và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng đã làm dịch chuyển nhiều đơn hàng nhập khẩu về Việt Nam, góp phần mở ra cơ hội cho các DN xuất khẩu của tỉnh. Tuy vậy, dịch COVID-19 cũng khiến cho một số nhóm ngành xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như sản phẩm từ gỗ, vonfram và sản phẩm của vonfram...
Để hoàn thành mục tiêu GTXK năm 2021, từ nay đến hết năm, cùng với việc triển khai các giải pháp về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tỉnh sẽ ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin tới các DN về những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu, đồng thời cảnh báo sớm các vấn đề có thể phát sinh, ảnh hưởng đến xuất khẩu (như: Sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các lệnh đóng cửa biên giới...); đẩy nhanh việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...