Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thành công, Đảng bộ xã Thần Sa (huyện Võ Nhai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc nhanh chóng khởi động “guồng quay” đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng chí Lê Việt Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa cho biết: Xác định việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII là một lộ trình dài 5 năm, vì thế ngay sau Đại hội, Đảng bộ, chính quyền xã đã nhanh chóng triển khai thực hiện ngay, không để tình trạng “đổ dồn” vào những năm cuối. Từng nhiệm vụ trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đều được giao cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo. Tùy lĩnh vực mà Đảng ủy đề ra được phân công cụ thể từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy tham mưu, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Các nội dung công việc đều có mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng từng năm, phù hợp với thực tế và nguồn lực tại địa phương, bảo đảm tính khả thi.
Thần Sa có diện tích tự nhiên lớn (hơn 10.000ha) nhưng chủ yếu là núi đá vôi nằm trong rừng đặc dụng, không thể canh tác, trong khi đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 484ha nhưng đa phần chỉ cấy được một vụ lúa do phụ thuộc nước trời. Dân số của xã khoảng 3.000 người với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số 9 xóm của xã thì 2 xóm Tân Kim, Thượng Kim gần như không có ruộng cấy, người dân sống gần rừng nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ nên không phát triển được kinh tế rừng, đời sống bấp bênh. Bởi vậy việc thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã xác định tập trung vào phát triển cây chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tại xóm Hạ Sơn Dao và Hạ Sơn Tày, cây chè đang là nguồn thu nhập chính và ổn định cho hàng chục hộ dân nơi đây. Người tiên phong đưa cây chè về với đất Thần Sa từ năm 1980 chính là Bí thư Chi bộ xóm Hạ Sơn Tày - Trần Việt Hưng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hưng cho biết: Sau một thời gian trồng và chăm sóc, thấy cây chè phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của xóm nên ông đã vận động người thân và các hộ lân cận cùng trồng chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, đã có 82 hộ dân của 2 xóm Hạ Sơn Tày và Hạ Sơn Dao tham gia trồng chè chất lượng cao (chiếm gần 70% tổng số hộ dân của cả 2 xóm) với tổng diện tích gần 57ha, sản lượng đạt gần 300 tấn chè búp tươi/năm. Mỗi năm, người trồng chè nơi đây thu hoạch từ 8 đến 9 lứa, giá trung bình đạt khoảng 100.000 đồng/kg, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/hộ/năm. Nhằm khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ, từng bước xây dựng thương hiệu, năm 2020, tỉnh đã có quyết định công nhận Làng nghề chè xóm Hạ Sơn. Với mong muốn người dân 2 xóm tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập từ cây chè, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm trà đạt chất lượng cao, phục vụ người tiêu dùng, trong năm 2021 này, xã Thần Sa dự kiến sẽ thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất chè tại 2 xóm này.
Ngoài phát triển cây chè, Thần Sa còn định hướng phát triển cây lâm nghiệp như trồng rừng tại xóm Tân Kim; trồng cây dược liệu (cây quế) ở xóm Thượng Kim với diện tích khoảng 20ha; trồng rau theo hướng sản xuất hàng hóa tại xóm Trung Sơn, Kim Sơn… Trong chăn nuôi, xã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản quy mô hộ gia đình. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thanh thông tin: Với mô hình nuôi bò sinh sản thì sau khoảng 14-15 tháng sẽ bán 1 lứa với giá trung bình từ 13-15 triệu đồng/bê con. Còn đối với nuôi bò lấy thịt thì trung bình nuôi 1 con bê sau 2 năm sẽ bán được với giá trên 30 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Hiện nay, bà con bắt đầu chăn nuôi bò theo hướng thương phẩm do có các ưu điểm như: Hiệu quả kinh tế cao hơn các loại gia súc khác, ít bệnh, dễ chăm sóc... Trước đây, người dân trong xã chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, khó kiểm soát dịch bệnh thì nay bà con đã bắt đầu kết hợp chăn thả với nuôi nhốt, xây dựng chuồng trại, tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn dịch bệnh... Hiện đàn gia súc, gia cầm của xã đã lên tới gần 15.500 con, trong đó số gia súc là 2.000 con.
Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, đồng chí Lê Việt Bắc cho biết, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong việc thực hiện các mô hình và cung ứng các loại vật tư cần thiết để thực hiện các mô hình hiệu quả…