Hiện nay, việc duy trì hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân trong các vùng bị phong tỏa, cách ly của huyện Phú Bình đang gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm tấn gia súc, gia cầm và nông sản đã đến thời kỳ xuất chuồng, cho thu hoạch nhưng không thể đưa ra ngoài tiêu thụ. Trong khi đó, việc cung ứng thức ăn chăn nuôi trong những ngày đầu phong tỏa bị gián đoạn khiến cho nhiều hộ không khỏi lo lắng.
Với tổng đàn gia cầm trên 500.000 con, đàn lợn trên 7.000 con, xã Tân Khánh là vùng chăn nuôi trọng điểm của huyện Phú Bình. Theo rà soát của UBND xã, nhu cầu về lượng thức ăn chăn nuôi của người dân trên địa bàn khoảng 60 tấn/ngày.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các chốt kiểm soát COVID-19 đã không cho các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi vận chuyển vào vùng phong tỏa, khiến cho nhiều hộ không biết phải xoay sở thế nào.
Ông Vũ Đình Tập, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xóm Ngò, xã Tân Khánh nói: Gia đình tôi hiện có 3.000 con gà thịt. Trung bình cứ 1 tuần tôi lại phải nhập khoảng 1 tấn cám công nghiệp. Sáng 29-7, đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi vận chuyển cám cho gia đình tôi nhưng khi đến chốt soát dịch ở đầu xã thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu, không cho di chuyển vào trong vùng phong tỏa. Tôi đang rất lo lắng vì lượng thức ăn trong kho chỉ đủ duy trì 1-2 ngày nữa…
Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, chiều 29-8, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Dương Văn Hưng đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo xã Tân Khánh thực hiện ngay giải pháp cung ứng kịp thời thức ăn chăn nuôi cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Phú Bình yêu cầu xã cho phép các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi từ những vùng không có dịch vận chuyển đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn xã. Sau đó, xã bố trí phương tiện và cử lực lượng hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi đến từng hộ gia đình và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch.
Với 1.000 con vịt, 1.500 con gà đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng chưa thể đưa ra ngoài tiêu thụ, mỗi ngày trang trại chăn nuôi của gia đình bà Dương Thị Luận ở xóm Cả, xã Tân Khánh, phát sinh thêm chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 4,1 triệu đồng.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân quá lớn, xã chỉ bố trí được 1 phương tiện cỡ nhỏ để hỗ trợ vận chuyển nên hiện nay, lượng thức ăn chăn nuôi đưa vào vùng phong tỏa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Nguyễn Khắc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Xã đang tiếp tục bố trí thêm phương tiện, lực lượng để hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi vào vùng phong tỏa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ trong những sắp ngày tới.
Khó khăn lớn nhất của địa phương lúc này là số lượng lớn gia súc, gia cầm và nông sản đã đến thời kỳ xuất chuồng, cho thu hoạch nhưng không được phép đưa ra ngoài tiêu thụ. UBND xã đã có văn bản đề nghị huyện, tỉnh sớm có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc đưa nông sản ra khỏi vùng phong tỏa nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Tân Khánh hiện có khoảng 140.000 con gia cầm; gần 1.800 con lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng (tổng sản lượng khoảng 400 tấn) nhưng không thể đưa ra ngoài tiêu thụ. Tình trạng này đang khiến cho người chăn nuôi lo lắng.
Trang trại chăn nuôi của gia đình bà Dương Thị Luận, xóm Cả, xã Tân Khánh có 1.500 con gà và 1.000 con vịt đã đến ngày xuất chuồng. Ngày 26-7, gia đình bà xuất bán được mẻ gà đầu tiên nhưng ngày hôm sau, dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn xã, thương lái không thể tiếp tục đến thu mua.
Bà Luận chia sẻ: Khi gà, vịt đã đến ngày xuất chuồng thì nuôi thêm chúng cũng gần như không tăng trọng lượng. Trong khi đó, mỗi ngày, đàn gà, vịt 2.500 con của gia đình tôi ăn hết 15 bao cám, chi phí thức ăn phát sinh khoảng 4,1 triệu đồng/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 2 tuần nữa thì tiền bán gà, vịt của gia đình tôi không đủ để trả tiền cám cho đại lý.
Vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 để phục vụ người dân trong vùng phong tỏa của xã Tân Khánh (Phú Bình).
Tại xã Tân Kim, nơi có 4 xóm đang bị phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19 hiện đang còn trên 60 tấn gia súc, gia cầm (khoảng 31.500 con) và hàng tấn trái cây ăn quả không thể đưa ra ngoài tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã hoa quả an toàn Thành Đạt, xóm La Đao, xã Tân Kim, cho biết: Mỗi ngày, chúng tôi thu hoạch khoảng 0,5 tấn ổi, nhãn và mít. Từ khi thực hiện lệnh phong tỏa đến nay, số lượng hoa quả đã thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được còn tồn khoảng 2 tấn. Nếu không sớm được đưa đi tiêu thụ, toàn bộ số hoa quả này sẽ bị hỏng, thiệt hại hàng chục triệu đồng…
Tại xóm Náng, xã Nhã Lộng, vùng trồng rau an toàn với tổng với diện tích trên 10ha. Hiện nay, nhiều diện tích rau đang trong thời kỳ thu hoạch rộ nhưng vì thực hiện cách ly xã hội nên người dân không thể đưa rau đi tiêu thụ.
Ông Lê Đăng Toàn, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Trong khi chờ chỉ đạo, hướng dẫn của huyện về phương án đưa nông sản ra khỏi vùng phong tỏa, trước mắt, chúng tôi đang khuyến cáo người dân tự thực hiện các biện pháp bảo quản rau, củ, quả ngay tại cơ sở sản xuất; đồng thời vận động bà con trong vùng phong tỏa hỗ trợ nhau “nội tiêu” phần nào lượng nông sản đã thu hoạch.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ, huyện Phú Bình cùng với ngành chức năng liên quan cần sớm có thêm những giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân trong các vùng bị cách ly, phong tỏa duy trì và ổn định hoạt động sản xuất.