Giá lợn hơi giảm, giá thịt vẫn cao: Người tiêu dùng chịu thiệt

08:02, 09/07/2021

Từ cuối tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh liên tục giảm và đang duy trì ở mức 58-60 nghìn đồng/kg, giảm từ 20-25 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị vẫn “cố thủ” hoặc giảm không đáng kể khiến người tiêu dùng chịu thiệt. 

Anh Dương Văn Hồng, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình) cho biết: Thời gian gần đây, giá lợn hơi bán tại chuồng liên tục giảm. Cụ thể, nếu như ngày 5-7, lợn hơi có giá 63-64 nghìn đồng/kg thì đến ngày 7-7 đã giảm xuống chỉ còn 58 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi thua lỗ khoảng 200 nghìn đồng/con lợn 100kg. Cùng chung quan điểm với anh Hồng, bà Đồng Thị Thanh, ở xóm Trung Thành, xã Dương Thành (Phú Bình) chia sẻ: Với mức giá dưới 60 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi không thể có lãi. Thêm vào đó, do lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nên sau khi xuất bán đàn lợn 100 con, gia đình tôi đã giảm quy mô, chỉ nuôi 30 con lợn nái và 100 con lợn thịt. 

Mặc dù giá lợn hơi đã giảm sâu nhưng giá thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống chỉ giảm rất ít và vẫn còn ở mức cao. Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ dân sinh, thịt mông sấn có giá 110 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ và sườn có giá 120 nghìn đồng/kg (giảm 10 nghìn đồng/kg so với tháng trước). Còn tại các siêu thị, thịt vai sấn có giá 115 nghìn đồng/kg, còn thịt ba chỉ và nạc vai có giá 130-140 nghìn đồng/kg tùy loại. Mức giảm này chưa tương xứng với thực tế giá thịt lợn hơi trên thị trường hiện nay. 

Lý giải về điều này, chị Dương Thị Nhạn, nhân viên Siêu thị Lan Chi (T.P Thái Nguyên) nói: Đối với mặt hàng thịt lợn, chúng tôi nhập của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, được giết mổ với quy trình đảm bảo vệ sinh thú y nên giá thịt lợn sẽ cao hơn ở chợ. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên siêu thị còn phải tính thêm các chi phí liên quan. 

Còn chị Lê Thị Thảo, một hộ dân kinh doanh thịt lợn ở chợ Khu Nam, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) phân trần: Chúng tôi chủ yếu mua thịt từ các thương lái nên phải bán chênh lệch từ 10-15 nghìn đồng/kg so với giá nhập thì mới có lãi. Thời điểm này, mặc dù giá thịt đã giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg nhưng sức tiêu thụ chậm, chỉ bằng khoảng 50% so với tháng trước.

Theo kết quả khảo sát thị trường, hiện nay, giá lợn hơi đang dao động ở mức 58-60 nghìn đồng/kg, còn giá thịt lợn móc hàm từ 80-85 nghìn đồng/kg. Vậy nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức 120-130 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân được đưa ra là do thịt lợn đến tay người tiêu dùng thường phải qua nhiều khâu trung gian. Cụ thể: Thương lái đến các trang trại thu mua lợn rồi vận chuyển về các lò giết mổ, sau đó mới bán thịt móc hàm cho tiểu thương tại các chợ. Qua mỗi khâu trung gian, giá thịt lợn lại bị “đội” thêm một chút. Điều này khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt khi mua thịt lợn.

Theo đại diện cơ quan chức năng, thịt lợn không phải là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định của pháp luật mà vận hành theo cơ chế thị trường. Vì thế, giá cả đầu vào, đầu ra đều do thị trường quyết định. Tuy nhiên, để góp phần bình ổn thị trường, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch; ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng… Về phía người tiêu dùng, nên lựa chọn mua hàng tại những địa điểm uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.