Góp vốn xoay vòng giúp cựu chiến binh vươn lên

09:10, 30/07/2021

“Tuy số tiền đóng góp không lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã trở thành điểm tựa giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà mô hình góp vốn xoay vòng mang lại” - Đó là nhận xét của ông Vũ Văn Hoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đồng Hỷ về hiệu quả của mô hình góp vốn xoay vòng được triển khai trong những năm gần đây.

Hội CCB huyện Đồng Hỷ hiện có gần 5.000 hội viên, sinh hoạt tại 142 chi hội. Những năm qua, hội viên CCB luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nổi bật là phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Từ phong trào này, nhiều mô hình tạo nguồn vốn tại chỗ của hội viên CCB đã phát huy hiệu quả. Điển hình là mô hình xây dựng chân quỹ từ các chi hội để hội viên sử dụng luân phiên, xoay vòng, ưu tiên cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi, hoặc lãi suất thấp.

Tại Văn Lăng, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Hằng năm, các chi hội sẽ tiến hành họp và thống nhất mức đóng góp, bổ sung nguồn vốn xoay vòng. Sau đó, dựa trên nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của từng hội viên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những CCB có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp (khống chế ở mức thấp hơn lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT). 

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Hỷ thăm mô hình trồng bưởi diễn theo tiêu chuẩn VietGAP của Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hùng, xóm Ấp Chè, xã Văn Hán.

Thời gian đầu, mỗi hội viên tham gia chỉ đóng góp 50.000 đồng/năm, sau đó nâng dần lên, đến nay đã tăng lên mức 1.380.000 đồng/năm. Tổng nguồn Quỹ của chúng tôi hiện có là 250 triệu đồng. Số tiền mỗi hội viên được vay là khoảng 10 triệu đồng/năm. Số tiền lãi thu được sẽ bổ sung vào nguồn quỹ của các chi hội để sử dụng cho các hoạt động thường xuyên. 5 năm qua, nguồn quỹ này đã giúp 7 hộ hội viên thoát nghèo, 4 hộ thoát cận nghèo, xóa nhà dột nát cho 3 gia đình CCB.

Từ được hiệu quả của mô hình, ngày càng có nhiều CCB đăng ký tham gia và vay vốn xoay vòng để cải thiện cuộc sống. Phần lớn các CCB vay vốn để đầu tư chăn nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả, trồng rừng... Tín hiệu đáng mừng là sau khi làm ăn hiệu quả, nhiều CCB đã tích góp vốn để mở rộng, phát triển dần sản xuất, kinh doanh. 

Trường hợp của CCB Vũ Chí Long, tổ 5, thị trấn Sông Cầu là một điển hình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Long kể: Từ năm 2004 đến 2009, với 5 lần vay vốn xoay vòng của Chi hội CCB tổ 5, mỗi lần từ 3 triệu đồng trở lên, tôi có nguồn lực để đầu tư chăn nuôi bò. Từ 1 cặp bò ban đầu, đàn bò của tôi phát triển lên hàng chục con, nhờ đó, gia đình thoát nghèo. Đến năm 2009, tôi chuyển sang nuôi lợn rừng và nuôi hươu. Từ nuôi hươu, thu nhập của gia đình tôi luôn ổn định ở mức khoảng 300-400 triệu đồng/năm. 

Hay như CCB Nguyễn Thanh Soạn ở xóm La Đùm, xã Văn Hán. Từ những đồng vốn xoay vòng ban đầu, đến nay, gia đình ông có hơn 34ha rừng kết hợp chăn nuôi dê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Soạn cho biết: Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã chia sẻ kiến thức trồng rừng, chăn nuôi dê và cung cấp giống cho nhiều CCB khác ở địa phương để cùng phát triển kinh tế. 

Được biết, trong 5 năm qua (2015-2020), bằng sự nỗ lực vận động và chứng minh được hiệu qảu thông qua phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đến nay, các cấp Hội CCB huyện Đồng Hỷ đã huy động được trên 4,7 tỷ đồng vào Quỹ góp vốn xoay vòng, giúp 796 hộ hội viên vay vốn sản xuất. Ngoài ra, Hội CCB các cấp còn nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ hơn 92 tỷ đồng, cho hơn 800 lượt hội viên vay. Trong 5 năm, toàn Hội có 117 hộ hội viên thoát nghèo, số hội viên thuộc diện hộ cận nghèo giảm từ 519 hộ xuống còn 111 hộ; số hộ CCB khá và giàu là trên 2.600 hộ…