Ngăn chặn "thiên đường" hàng giả trên mạng

08:14, 01/07/2021

Với những ưu điểm vượt trội về sự nhanh chóng, tiện lợi, kinh doanh hàng hóa online thông qua các sàn thương mại điện tử và các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, zalo, viber… đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Không thể phủ nhận những lợi ích của hình thức kinh doanh này, nhưng kinh doanh online trên mạng đang trở thành “thiên đường” hoạt động của các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19,  kinh doanh thương mại truyền thống đã dần mất vị thế vốn có, thay vào đó là sự lên ngôi của kinh doanh online thông qua các sàn thương mại điện tử và ứng dụng mạng xã hội.

Sản phẩm giao dịch qua sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội rất đa dạng, phong phú với hình thức thanh toán linh hoạt, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh online đã và đang phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng xấu đến tính minh bạch của thị trường, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thực tế thời gian qua, đã có không ít trường hợp người tiêu dùng nhận “trái đắng” khi mua sắm hàng hóa qua mạng. Chị Nguyễn Thi Hồng, tổ 5, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mới đây, tôi đặt mua một chiếc nồi chiên không dầu trên facebook với giá 2 triệu đồng.

 Theo lời quảng cáo của chủ hàng khi livestream (phát trực tiếp) thì mặt hàng này là “hàng chính hãng có bảo hành”, giá “siêu rẻ” và “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”. Nhưng thực tế, khi tôi nhận hàng thì đó là sản phẩm hàng nhái, sử dụng được vài lần đã hỏng. Tôi liên lạc với chủ hàng để yêu cầu đổi trả nhưng không thể nào liên lạc được vì tài khoản facebook của người bán hàng đã chặn luôn cả số điện thoại và tin nhắn facebook của tôi.

Còn anh Nguyễn Văn Phi, xóm La Tú, xã Tân Khánh (Phú Bình) thì chia sẻ: Tháng trước, tôi đặt mua 1 lọ nước hoa trên mạng để làm quà sinh nhật cho vợ. Theo quảng cáo của trang bán hàng online thì đây là sản phẩm nước hoa nhập khẩu chính hãng có giá gốc là 3 triệu đồng nhưng cửa hàng đang có chương trình khuyến mại nên giảm giá chỉ còn 999 nghìn đồng. Tôi liền chuyển khoản đặt mua nhưng khi nhận hàng thì phát hiện đây chỉ là sản phẩm nhái của thương hiệu Chanel. Lọ nước hoa nhái này được bán trên thị trường với giá chỉ khoảng 150 nghìn đồng.

Trước thực tế nêu trên, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường kiểm soát những giao dịch mua sắm trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Bưu điện tỉnh nắm bắt tình hình thị trường vận chuyển hàng hóa qua đường bưu điện nhằm theo dõi, giám sát và xử phạt các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

 Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về việc mua sắm qua mạng. Cục QLTT tỉnh cũng đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận ý kiến phản ánh của người tiêu dùng về các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng xã hội.

Từ cuối năm 2020 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và xử lý 14 trường hợp kinh doanh hàng hóa trên mạng có hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng… Điển hình là vào cuối tháng 12-2020, bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua theo dõi trên trang mạng xã hội, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Hải, tại tổ 3, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại hàng hóa, gồm: Thực phẩm, mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục QLTT tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt chủ cơ sở kinh doanh nêu trên số tiền 105 triệu đồng về 2 hành vi: Kinh doanh hàng nhập lậu và không thông báo Website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, tịch thu, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 8/4/2021, theo thông tin tố giác của người dân và qua theo dõi trên trang cá nhân zalo, facebook của cửa hàng kinh doanh online do bà Trương Thị Hạnh, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) làm chủ, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra và phát hiện 15.000 chiếc áo len nữ cộc tay mang nhãn hiệu BAIYI có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt chủ cửa hàng trên số tiền 40 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, hiện nay, việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh trên mạng rất khó do các cơ sở kinh doanh online thường không có địa điểm kinh doanh cố định, hàng hóa thường được chia lẻ, tập kết ở các khu nhà trọ, chung cư hoặc nhà ở nên việc điều tra, trinh sát và áp dụng các biện pháp kiểm tra nơi cất giấu tang vật phải có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương.

Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh online mặc dù có hoạt động buôn bán sôi động nhưng khi kiểm tra thực tế lại không có hàng hóa, chỉ khi có khách đặt mua hàng thì mới mang hàng từ nơi khác về. Mặt khác, các giao dịch hàng hóa trên mạng đều không có hóa, đơn chứng từ nên rất khó xử lý. Vì vậy, Cục QLTT khuyến cáo, người tiêu dùng nên đặt mua hàng tại các website uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng; tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm trước khi mua, nhận hàng hóa. Đồng thời, cần cảnh giác với những tài khoản mạng xã hội “ảo” bán hàng online để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng …