Thời gian qua, tỉnh đã việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân chế biến, bảo quản nông sản. Qua đó, giúp chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, nông sản địa phương chủ yếu mới chỉ được tiêu thụ ở các chợ truyền thống, còn lại, việc “vào” siêu thị vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục siêu thị có quy mô lớn, thu hút đông người mua sắm như: GO! Thái Nguyên, Aloha, Minh Cầu, Lan Chi... Khảo sát thực tế tại các siêu thị cho thấy, các mặt hàng nông sản Thái Nguyên được bày bán tại đây phần đa là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được công nhận OCOP như chè, miến, mì gạo. Tuy nhiên, số lượng chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn trong số các nông sản được bày bán. Đơn cử như tại siêu thị có quy mô lớn nhất tỉnh là GO! Thái Nguyên, chỉ có một lượng nhỏ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Ổi Linh Sơn (T.P Thái Nguyên); cá nước ngọt; thịt lợn, thịt bò... trong tổng số hàng trăm loại nông sản được bày bán. Cá biệt có sản phẩm chè khô thì 100% do các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hùng, Giám đốc siêu thị GO! Thái Nguyên cho biết: Siêu thị chúng tôi luôn ưu tiên nhập các mặt hàng nông sản tươi sống của tỉnh Thái Nguyên. Tháng 12-2020, tại Hội nghị “Kết nối cung cầu sản phẩm” do Sở Công Thương tổ chức, Siêu thị cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ với một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, riêng với mặt hàng rau, củ, quả, siêu thị vẫn chưa thể ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị trong tỉnh. Nguyên nhân là do sản phẩm của các hợp tác xã, hộ dân không đáp ứng được một số yêu cầu cung ứng hàng hóa vào siêu thị. Đơn cử như ngoài yêu cầu sản phẩm có tem nhãn được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ sở sản xuất còn phải đảm bảo lượng hàng hóa ổn định theo từng ngày, từng thời điểm...
Để bảo quản các loại nông sản, HTX rau củ quả an toàn ở xã Dương Thành (Phú Bình) đã đầu tư xây dựng kho lạnh với kinh phí 100 triệu đồng.
Không thể “xâm nhập” vào các siêu thị lớn, vậy nhưng, ngay cả các siêu thị vừa và nhỏ, nhiều cơ sở, đơn vị cung ứng nông sản địa phương cũng phải dè dặt. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Vùng sản xuất rau an toàn của chúng tôi có quy mô 1ha, trung bình mỗi ngày thu hoạch gần 1 tấn rau, củ, quả các loại. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng đưa rau an toàn vào các siêu thị Thanh Niên, Tôn Mùi, Minh Cầu nhưng lượng tiêu thụ kém nên hiện giờ, Tổ hợp tác chỉ còn cung ứng cho siêu thị Minh Cầu với sản lượng khoảng 500kg mỗi ngày.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân sản lượng nông sản tiêu thụ trong siêu thị kém là do khách hàng chưa mặn mà. Một số người cho rằng, rau trong siêu thị không được đóng gói bao bì, tem mác khẳng định thương hiệu, mà chỉ được siêu thị gói trong lá chuối hoặc túi nilon. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn sản xuất ít nên ngoài việc quan tâm đến quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn an toàn, nhiều đơn vị chưa có điều kiện để đầu tư thiết kế, in ấn và sử dụng bao bì, tem, nhãn mác. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc đưa nông sản địa phương vào siêu thị càng thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ về quản lý, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn chưa có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ hộ gia đình có năng lực sản xuất khá, tổ hợp tác, HTX có sản phẩm chất lượng tiếp cận, ký kết hợp đồng với các siêu thị. Nhất là đối với hệ thống siêu thị lớn, nhập hàng từ tổng kho rất cần cơ quan chức năng của tỉnh là cầu nối để xúc tiến tiêu thụ nông sản. Thông qua sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, việc xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng, đảm bảo tem, nhãn mác của các mặt hàng nông sản trở nên thuận lợi hơn. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho các tổ chức, cá nhân đưa nông sản Thái Nguyên ra các thị trường lớn hơn, trong đó có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.