Khắc phục khó khăn do thiếu đất canh tác, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xóm người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã chủ động hợp tác sản xuất với bà con ở các xóm, xã khác có ruộng đất màu mỡ nhưng thiếu nhân công lao động. Bà con tập trung cấy lúa, trồng ngô trên những thửa ruộng này, cho thu hoạch với năng suất cao. Từ đó, đời sống của người dân xóm Mỏ Chì từng bước ổn định, một số hộ đã thoát nghèo nhờ hình thức canh tác này.
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) và xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, bà con nông dân đang tất bật cày, bừa chuẩn bị cấy lúa vụ mùa trên các thửa ruộng màu mỡ. Điều đặc biệt là không chỉ có người dân của các xóm trên, hoạt động sản xuất còn có sự tham gia tích cực của bà con người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì. Ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì cho biết: Nhiều năm gần đây, bà con nông dân xóm Mỏ Chì hợp tác trồng lúa, ngô với một số hộ dân xóm Làng Giai và xóm Tân Sơn có ruộng màu mỡ nhưng thiếu lao động do con, em đi làm ăn xa nhà. Khi thu hoạch, chủ ruộng sẽ được chia 30% sản lượng, nông dân Mỏ Chì giữ lại 70%.
Gia đình anh Hoàng Công Súa là một trong những hộ dân ở xóm Mỏ Chì hợp tác sản xuất với bà con ở xóm Làng Giai trên diện tích lớn nhất, với hơn 1 mẫu ruộng. Mỗi năm, sau khi chia 30% sản lượng cho chủ ruộng, gia đình anh Súa thu về gần 4 tấn thóc, ngô từ diện tích đất canh tác này. Vụ xuân vừa qua, anh thu về 1,3 tấn thóc và hơn 1 tấn ngô. Bước vào vụ mùa, nguồn nước dồi dào, anh Súa cùng với chủ ruộng sẽ gieo cấy toàn bộ hơn 1 mẫu lúa với sản lượng ước đạt tới trên 3,5 tấn. Anh chia sẻ: Ruộng ở cánh đồng Làng Giai rất tốt, cho năng suất rất cao nên từ khi hợp tác sản xuất với chủ ruộng vào hơn 3 năm trước, nhà tôi không còn cảnh thiếu ăn mà có dư thóc bán để trang trải đời sống và một phần dành để tiết kiệm. Sang năm, tôi sẽ làm căn nhà mới và có thể đủ điều kiện thoát nghèo.
Gia đình anh Ngô Văn Phùng, người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì,xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã thoát được nghèo từ năm 2020 nhờ hợp tác sản xuất với người dân xóm Tân Sơn (cùng xã).
Sớm hơn anh Súa, anh Ngô Văn Phùng đã chọn hình thức hợp tác sản xuất này từ hơn 7 năm trước ngay khi mới chuyển nhà về Mỏ Chì sinh sống. Nhờ vậy mà gia đình anh không chỉ ổn định cuộc sống mà bước đầu có dành dụm được một khoản nhỏ. Xoay xở thêm với nghề chăn nuôi vỗ béo trâu, bò qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Võ Nhai, năm 2018, anh Phùng đã mua được 3 sào ruộng ở xóm Tân Sơn. Tính cả ruộng hợp tác sản xuất, gia đình anh Phùng hiện đang canh tác hơn 6 sào lúa, thu về trên 2 tấn thóc mỗi năm. Anh Phùng bộc bạch: Trồng lúa, ngô ở ruộng dưới đồng lúa Tân Sơn, Làng Giai năng suất, hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng ngô trên núi. Một phần nhờ nguồn thu này, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2020.
Cả xóm Mỏ Chì hiện có 133 hộ thì có gần 50 hộ hiện đang canh tác khoảng 10ha ruộng theo hình thức hợp tác sản xuất với người dân ở xóm Làng Giai và Tân Sơn. Hộ ít thì canh tác 2-3 sào, hộ nhiều thì trồng lúa, ngô trên cả mẫu ruộng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì nói thêm: 4 năm trở lại đây, đời sống người dân Mỏ Chì ổn định hơn hẳn so với những năm trước. Những hộ gia đình trong xóm không có hoặc có ít đất canh tác, không có sinh kế phù hợp, chúng tôi đều vận động hợp tác sản xuất trên đất ruộng theo hình thức này để ổn định cuộc sống.
Nhờ đó mà những năm gần đây, đồng bào người Mông Mỏ Chì không còn cảnh thiếu gạo ăn lúc giáp hạt, số hộ nghèo cũng giảm hẳn. Trung bình 5 năm gần đây, mỗi năm, Mỏ Chì đều giảm được từ 5-7 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo nhờ hợp tác sản xuất nông nghiệp như các hộ: Hoàng Văn Bằng, 33 tuổi; Dương Văn Khèn, 29 tuổi; Ngô Văn Phùng, 37 tuổi… Riêng năm 2020, cả xóm có tới 17 hộ thoát nghèo, trong đó có 5 hộ thuộc diện thiếu đất canh tác và đã hợp tác sản xuất lúa, ngô hiệu quả.
Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường đánh giá: Việc đồng bào dân tộc Mông ở Mỏ Chì hợp tác sản xuất lúa, ngô có ý nghĩa tích cực với sự phát triển của địa phương, đóng góp thiết thực vào việc giảm được nhiều hộ nghèo, nâng cao đời sống của người dân đồng thời phát huy được quỹ đất nông nghiệp hiện có. Cùng với sự chủ động tìm hướng phát triển kinh tế của đồng bào, những năm qua, xã Cúc Đường cũng tranh thủ sự ủng hộ của huyện và các ngành để đầu tư hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, hỗ trợ vốn vay, cây con giống… cho bà con phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cả xóm hiện vẫn còn 62 hộ nghèo, chiếm tới gần 47% tổng số hộ. Số bà con thuộc diện hộ nghèo của Mỏ Chì chủ yếu cho thiếu đất canh tác, thiếu sinh kế nên rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương để giúp bà con người Mông nơi đây có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.