Thời gian qua, huyện Phú Lương đã tập trung quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất đồi rừng; tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng; phát triển rừng gỗ lớn; trồng cây ăn quả… Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi keo xanh mướt trên đỉnh núi Chúa, bên dưới là ao cá cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, ông Hà Quang Cảnh, một người dân ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương) chia sẻ: Với trên 33ha đất đồi rừng, gia đình tôi đã trồng các loại cây như: Keo, quế, bưởi… Ngoài ra, tôi còn chăn nuôi bò, ngựa và đào ao thả cá để lấy ngắn nuôi dài, góp phần cải thiện đời sống. Với chu kỳ sau khoảng 7 năm, mỗi ha rừng được khai thác sẽ cho thu 100 triệu đồng.
Bên cạnh khu rừng nhà ông Cảnh là nhà anh Lèo Văn Toàn, một hộ dân cũng đang tập trung phát triển kinh tế theo mô hình vườn - rừng - ao - chuồng. Anh Toàn nói: Nhà tôi trồng 5ha rừng. Dưới tán rừng, tôi nuôi 100 con dê và gần 10 con bò sinh sản. Với diện tích ao rộng 7 sào, tôi thả các loại cá như: Trôi, trắm, chép, rô phi… Tổng thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Toàn xã hiện có trên 1.700ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 1.400ha rừng sản xuất. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi các loại gia súc. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,53%; thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 27,2 triệu đồng/người/năm (năm 2017) lên 36,4 triệu đồng.
Không chỉ riêng Động Đạt mà tại nhiều địa phương khác trong huyện, người dân cũng đã nhận thức được những lợi ích thiết thực của việc trồng rừng. Vì thế, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng, hình thành các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp.
Toàn huyện có trên 35 nghìn héc ta rừng tự nhiên, trong đó có hơn 13 nghìn hec ta rừng trồng. Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ, khoảng cách, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, Hạt còn khuyến khích người dân sử dụng giống cây keo lai nuôi cấy mô, hạn chế tình trạng gãy đổ do mưa bão, góp phần tăng giá trị kinh tế. Đồng thời phối hợp với phòng chuyên môn, các xã, thị trấn lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế rừng.
Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Cùng với khuyến khích phát triển kinh tế đồi rừng, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Hạt sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm lâm nghiệp, địa phương cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản.