Những năm qua, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sau nhiều năm có mức tăng trưởng thì những năm gần đây, dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo của NHCSXH huyện Phú Lương đang có xu hướng giảm mạnh.
Theo ông Nông Hà Thái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương: Tổng dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo bắt đầu có xu hướng giảm từ năm 2018; cho vay cận nghèo giảm từ năm 2020. Đến ngày 23- 6 năm 2021, dư nợ cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch chỉ còn 53,6 tỷ đồng (giảm 69 tỷ đồng so với cuối năm 2017); cho vay hộ cận nghèo đạt 65,4 tỷ đồng (giảm hơn 3,4 tỷ đồng so với cuối năm 2020).
Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn cho vay này giảm mạnh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, huyện Phú Lương đã quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Và một trong những giải pháp hiệu quả là chương trình vay vốn hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016 đến nay, NHCSXH huyện đã cho hơn 4.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng doanh số cho vay là 204,8 tỷ đồng. Qua đó, tích cực góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, bình quân giảm 2,35%/ năm (giai đoạn 2016-2020). Khi số hộ nghèo, cận nghèo giảm thì đối tượng được vay vốn theo quy định của 2 chương trình trên cũng giảm theo.
Một nguyên nhân nữa là những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được địa phương đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, có trên 2.100 lượt lao động trên địa bàn huyện tìm được việc làm mới. Từ đó, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định nên họ không còn nhu cầu vay vốn, thậm chí còn có điều kiện trả nợ trước hạn. Ngoài ra, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi (như: Viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng...) khiến nhiều hộ gặp khó khăn trong phát triển sản xuất nên chưa dám vay vốn để đầu tư.
Anh Lý Văn Hiển, xóm Na Hiên, xã Yên Trạch cho hay: Năm 2015, tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay dành hộ nghèo của NHCSXH để phát triển kinh tế rừng. Đến năm 2020, sau khi khai thác được lứa gỗ đầu tiên, tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng và được xét lên hộ cận nghèo. Hiện nay, mặc dù được vận động tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo để làm ăn nhưng tôi còn khá băn khoăn vì chưa tìm ra phương án phát triển kinh tế hiệu quả.
Theo đánh giá, việc dư nợ cho vay chương trình hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương giảm là tín hiệu tích cực cho thấy đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Mặt khác, mặc dù, chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo giảm nhưng cho vay hộ mới thoát nghèo lại đang có xu hướng tăng. Tính đến nay, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện là trên 44,1 tỷ đồng (tăng 3,7 tỷ đồng so với năm 2020).
Ông Nông Hà Thái cho biết thêm: Dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo giảm là minh chứng cho thấy chất lượng tín dụng của NHCSXH đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Và đối với việc giảm dư nợ này, hoạt động của Ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng nhiều do chúng tôi đã điều chỉnh nguồn vốn sang các chương trình khác. 6 tháng đầu năm 2021, NHCSXH huyện Phú Lương đã điều chỉnh giảm 9 tỷ đồng từ 2 chương trình trên để tăng nguồn vốn cho các chương trình có số hộ đăng ký vay nhiều như: Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Nguồn vốn chính sách vẫn đang tiếp tục tiếp sức cho hàng nghìn hộ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ đẩy mạnh công tác rà soát thực tế nhằm đảm bảo các hộ dân có nhu cầu vay và đủ điều kiện theo quy định được sớm tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn chính sách thì cũng cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền trong việc định hướng cho các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương.