Tạo đột phá phát triển nông nghiệp, nông thôn

09:12, 05/07/2021

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cấp trang thông tin điện tử nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số… Đó là những nội dung Sở Nông nghiệp - PTNT đã và đang triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với diện tích vườn hơn 4.000m2, ở xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn đã trồng dưa lưới và nho trong nhà kính. Anh Tuấn chia sẻ: Năm 2020, chúng tôi đầu tư 1,2 tỷ đồng làm nhà lưới, mua giống, phân bón… để tập trung sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, chúng tôi có hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel điều khiển bằng điện thoại thông minh, ngoài ra còn có máy đo nồng độ dinh dưỡng, độ chua của đất… nên rất thuận lợi trong khâu theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Nhà tôi vừa thu hoạch xong lứa nho đầu tiên được 4 tạ quả, bán với giá 100 nghìn đồng/kg và 3 tấn dưa lưới, bán với giá 60 nghìn đồng/kg mà vẫn còn nhiều khách hàng đến hỏi mua. So với sản xuất thông thường, việc ứng dụng công nghệ cao giúp chúng tôi giảm được chi phí về công lao động; đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, dễ tiêu thụ.

Không chỉ riêng người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất mà Sở Nông nghiệp - PTNT và các đơn vị trực thuộc cũng chú trọng chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác. Đơn cử như tại Chi cục Kiểm lâm, bắt đầu từ năm 2021, đơn vị ứng dụng phần mềm quản lý cây xanh Thainguyen Smarttrees trên điện thoại di động, máy tính.

Anh Nguyễn Thái Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hạt đã cập nhật lên hệ thống quản lý cây xanh hơn 30 nghìn cây phân tán với các thông số như: Tên cây, vị trí trồng, ngày trồng… Thông qua điện thoại, máy tính có kết nối Internet, lãnh đạo cũng như các nhân viên đều có thể truy cập phần mềm để khai thác bản đồ cây xanh mọi lúc, mọi nơi.

Còn tại Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay, đơn vị cũng bắt đầu áp dụng công nghệ trong quản lý hồ sơ khách hàng. Thay vì dùng sổ bút ghi chép như trước đây, giờ chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là nhân viên ghi số đồng hồ nước có thể đăng nhập vào máy chủ, nhập số liệu và tra cứu thông tin khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cho hay: Chúng tôi hiện đang áp dụng chương trình số hóa trong công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình nước thông qua hệ thống máy chủ đặt tại cơ quan. Cùng với đó, tại một số công trình cấp nước trên địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi cũng đang thử nghiệm hệ thống máy in nhiệt cầm tay. Khi nhân viên đi thống kê số lượng nước đã dùng trong tháng của khách hàng, nhập vào hệ thống máy chủ sẽ ngay lập tức in được ra hóa đơn cho khách thông qua máy in cầm tay, tiết kiệm thời gian, công đi lại của nhân viên. Phương pháp này được sử dụng đồng bộ sẽ giảm được hàng trăm triệu đồng tiền hóa đơn mỗi năm cho đơn vị.

Thời gian qua, thực hiện nội dung chuyển đổi số, Sở Nông nghiệp - PTNT đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản với 16 cơ sở dữ liệu theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Sở. Qua đó góp phần cung cấp thông tin cho các cấp chính quyền các cấp, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân khai thác phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Hiện, trang Website của Sở được tạo thành bởi 16 Modul, giao diện chính gồm 3 Modul: Tin tức sự kiện, cơ sở dữ liệu Nông nghiệp và thủ tục hành chính. Trong đó Modul “thủ tục hành chính” được kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, bao gồm 88 bộ thủ tục hành chính, giúp người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3,4.

Ngoài ra, một số đơn vị trực thuộc Sở cũng đã nâng cấp trang Website riêng, cung cấp thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.

Theo ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành Nông nghiệp - PTNT và đồng bộ hóa với phần mềm C-Thainguyen.  Đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; kết nối cung cầu gắn với quản lý chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ nông sản…