Bất cập trong quy hoạch rừng: “Bài toán” chưa được giải xong

01:22, 11/08/2021

Sau khi rà soát lại diện tích 3 loại rừng trên địa bàn gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, cơ quan chuyên môn của tỉnh phát hiện hàng nghìn héc-ta đất rừng đã giao cho người dân quản lý, sử dụng đang nằm trùng chéo trong ranh giới các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; rừng sản xuất còn tòn tại ở cả những khu vực có nhu cầu cấp thiết về phát triển khu, cụm công nghiệp, khu dân cư.

Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Chị Dương Thị Ngọc ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai), cho biết: Bố mẹ tôi và nhiều người khác từ Cao Bằng về đây sinh sống từ những năm 1980 và sau đó hình thành nên xóm Lũng Luông. Khi chúng tôi về đây, đất dưới lũng được bà con cải tạo thành ruộng, còn lưng núi được phát hoang trồng ngô. Năm 1999, Nhà nước quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa nên toàn bộ xóm Lũng Luông nằm trong đất rừng đặc dụng.

Từ đó, tất cả diện tích đất nương bãi, đất dựng nhà của bà con trở thành đất rừng đặc dụng nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau hàng chục năm canh tác, đất nương bãi giờ đã cằn cỗi, trồng ngô, khoai đều không tốt, nhưng không trồng rừng được vì không được khai thác.

Không chỉ nơi lưng núi bị quy hoạch thành rừng đặc dụng mà ngay cả khu vực bà con sinh sống ở các xóm dưới chân núi, gần khu vực trung tâm xã Thượng Nung cũng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch rừng đặc dụng từ năm 1999. Một số gia đình không thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do, vướng vào đất rừng đặc dụng.

Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Xã có 3 xóm nằm trọn trong vùng lõi rừng đặc dụng, bà con ở những xóm trên từ Cao Bằng về đây sinh sống trước quy hoạch rừng đặc dụng hơn 20 năm. Đất rừng trên địa bàn xã đều nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, không có rừng sản xuất nên bà con gặp nhiều khó khăn.

Ngoài những hộ dân ở 3 xóm Lũng Hoài, Lũng Cà và Lũng Luông đều nằm trên đất rừng đặc dụng thì nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi cũng vậy. Do đó, người dân và chính quyền địa phương đã đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, đưa một phần diện tích bà con đang canh tác thành đất rừng sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Cùng chung tình trạng trên, huyện Đại Từ có 10 xã với hàng trăm hộ dân đang có đất ở và sản xuất nằm trong ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đời sống của những hộ này gặp nhiều khó khăn vì không có điều kiện di dời và thiếu đất canh tác. Chính quyền cơ sở cũng đang lúng túng trong việc hỗ trợ người dân và quản lý tài nguyên rừng hiện có.

La Bằng là một trong những xã có nhiều hộ dân đang ở và canh tác phía trong mốc giới của Vườn Quốc gia. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã thông tin: Tổng diện tích người dân đang canh tác trong khu vực rừng đặc dụng Tam Đảo là 137,21ha với 622 hộ tại 5 xóm, trong đó có 41,99ha rừng trồng và 95ha cây nông nghiệp, chè, ao. Ngoài ra, một số hộ dân còn có nhà ở, công trình phía trong mốc giới.

Thực tế, đây đều là những diện tích người dân khai phá và trồng cây từ vài chục năm về trước. Sau khi có chủ trương bàn giao đất cho Vườn Quốc gia Tam Đảo, họ không được phép khai thác lâm sản ở những diện tích đã trồng nên đời sống gặp khó khăn không nhỏ...

Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Xuất phát từ thực tế, chính quyền địa phương đã có kiến nghị điều chỉnh ranh giới cho phù hợp nhằm ổn định đời sống của người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Phạm vi đề nghị điều chỉnh được các xã căn cứ vào tình hình thực tế sử dụng đất của người dân, có tổng diện tích trên 1.800ha.

Tại một số địa phương khác như: Định Hóa, Phổ Yên, T.P Thái Nguyên… tình trạng tương tự cũng diễn ra.

Nhiều bất cập sau khi quy hoạch 3 loại rừng như: Cơ sở dữ liệu, bản đồ, hiện trạng rừng và tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp có sai số lớn so với thực địa; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình nằm đan xen trong quy hoạch 3 loại rừng; nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng không phù hợp với tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế của các địa phương; nhất là việc quy hoạch 3 loại rừng chưa chi tiết… đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Có thể nói, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đã phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng đất, sử dụng rừng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, với diện tích hiện đang trùng chéo giữa rừng sản xuất với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, người dân mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp thiết thực, sát thực tế để vừa bảo tồn, phát triển rừng nhưng cũng đảm bảo an sinh.