Mặc dù không phải loại cây trồng truyền thống nhưng thanh long ruột đỏ đã bén rễ trên đất Tràng Xá (Võ Nhai), đem lại những mùa quả ngọt với giá trị cao và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho hàng chục hộ nông dân nơi đây.
Chúng tôi đến thăm đồi thanh long ruột đỏ của gia đình ông Chu Thanh Hùng, xóm Hợp Nhất đúng dịp chính vụ. Những trái thanh long chín rộ như muốn nhuộm đỏ cả triền đồi. Ông Hùng vui vẻ cho biết: Thời điểm này, tôi thu hái từ 1-1,5 tạ thanh long mỗi ngày, bán cho thương lái thu về từ 2,5-4 triệu đồng. Năm nay, tôi ước tính sẽ thu hoạch khoảng trên 6 tấn quả.
Ông Hùng cũng là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại đất Tràng Xá. Năm 2010, qua báo chí, ông biết đến một nông dân trồng thành công loại cây trồng này tại xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) nên đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Không ngại thử thách với cây trồng mới, ông trồng 300 gốc thanh long trên nền diện tích 0,7ha trước đây trồng mía kém hiệu quả. Sau một thời gian theo dõi thanh long sinh trưởng và tìm đọc thêm các tài liệu, ông Hùng tự tin trồng thêm 200 gốc, nâng diện tích trồng thanh long của gia đình lên trên 1ha.
Không phụ công người chăm sóc, 300 gốc thanh long trồng đợt 1 đã cho lứa quả đầu tiên vào mùa Hè năm 2011. Dù sản lượng chỉ đạt vài tạ nhưng chất lượng tốt, quả có lòng đỏ tím, vị ngọt, thơm mát nên được thị trường đón nhận với giá bán 35 nghìn đồng/kg. Liên tục các năm sau đó, ông Hùng thu hoạch đều đặn từ 5-6 tấn thanh long mỗi năm, đem về lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng.
Ông Hùng chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3 loại cây ăn quả gồm: Thanh long, bưởi và nhãn nhưng cây thanh long thể hiện ưu điểm vượt trội hơn do ổn định về năng suất và giá cả đầu ra trong khi kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Đặc biệt, mùa vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ kéo dài tới 5 tháng nên rất thuận lợi cho tiêu thụ.
Thành công của ông Hùng đã khuyến khích hàng chục hộ nông dân ở xã Tràng Xá chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Trong đó, chị Đỗ Thị Oanh - người dân cùng xóm Hợp Nhất là một trong những hộ thuộc hàng “top” với mức thu nhập ngót trăm triệu mỗi năm từ loại cây ăn quả này. Năm 2017, chị Oanh học hỏi người dân trong xóm, chuyển đổi toàn bộ hơn 1ha trồng mía sang trồng thanh long ruột đỏ. Đến năm 2019 và 2020, diện tích này cho thu hoạch ổn định giúp gia đình chị thu về tới 6 tấn quả mỗi năm và đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.
Toàn xã Tràng Xá hiện có trên 10ha trồng thanh long ruột đỏ với sản lượng năm 2021 ước đạt trên 70 tấn. Thông thường, cây thanh long trồng khoảng 1 năm thì cho thu hoạch và đạt sản lượng cao nhất sau 3 năm trồng. Hàng năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 12 lứa quả trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 11, năng suất trung bình đạt trên 6 tấn quả/ha. Quả thanh long ruột đỏ thành phẩm trồng tại xã Tràng Xá có lòng đỏ tím, vị ngọt đậm, hương thơm dịu, quả đạt quy cách từ 2-3 quả/1kg. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá tiêu thụ thanh long giảm nhẹ nhưng sức tiêu thụ vẫn khá tốt. Sản phẩm sau thu hoạch đều được thương lái thu mua tại vườn cho bà con. Với giá thị trường hiện vào khoảng 20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nông dân có thể thu lãi khoảng 90 triệu đồng/ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá chia sẻ: Hiện nay, dù diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã còn khiêm tốn nhưng đang ngày một được mở rộng do đây là cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp với đồng đất địa phương và một phần nữa là do thành công của những hộ tiên phong. Chúng tôi đang hỗ trợ các hộ nông dân trồng, chăm sóc thanh long theo quy trình VietGAP, đồng thời, đề xuất với cấp trên nghiên cứu để có phương án hỗ trợ bà con nông dân trong xã mở rộng trồng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị đất canh tác, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.