Để hương chè không nhạt dần

08:18, 27/08/2021

Được coi là một trong những địa phương có diện tích chè lớn trên địa bàn T.P Sông Công, song những năm gần đây, diện tích chè ở xã Bá Xuyên liên tục giảm. Nguyên nhân được xác định là do thiếu hụt nguồn lao động trong sản xuất nông nghiệp, cùng với đó, chè được bán ra thị trường với giá thấp nên người dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Năm 2001, khi Sở Khoa học và Công nghệ đưa Dự án trồng chè cành vào triển khai tại xã Bá Xuyên với diện tích 10ha, cây chè ở địa phương này bắt đầu phát triển mạnh. Từ chỗ chỉ có 10ha trồng chè, bà con trong xã đã nhân rộng lên thành hơn 130ha (năm 2015) với các giống: LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên. Bình quân mỗi năm, nông dân xã Bá Xuyên cung ứng ra thị trường khoảng 600-700 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Theo đánh giá của nhiều người dân, so với cấy lúa thì trồng chè tuy tốn công lao động nhưng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Nguồn thu từ cây chè có thể đạt 17-20 triệu đồng/sào/năm. Từ hiệu quả kinh tế đó, ở những chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả, bà con đã chủ động chuyển sang trồng chè nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều diện tích chè ở Bá Xuyên đã già cỗi, bị chết, một số được phá bỏ để trồng sắn hoặc keo. Đến nay, diện tích chè trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 100ha. 

Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho rằng: Nhận thấy làm nông nghiệp vất vả mà thu nhập thấp nên nhiều gia đình đã khuyến khích con em đi làm công nhân thay vì ở nhà làm chè. Toàn xã hiện có gần 3.000 người trong độ tuổi lao động thì có tới 60% đang làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp với mức thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng. Đa số các gia đình chỉ còn lại người già và trẻ em ở nhà nên không có nhân công để chăm sóc, chế biến chè. 

Bà Đồng Thị Hiền, người dân xóm Chũng Na cho hay: Do không có lao động nên hơn 2 sào chè của gia đình, tôi đã cho người khác làm từ 5-7 năm nay. Phải bỏ chè cũng rất tiếc, song việc chăm sóc, thu hái khá tốn công nên một mình tôi cũng không thể duy trì.

Bên cạnh việc thiếu hụt lao động thì giá sản phẩm bán ra còn thấp cũng là lý do khiến người dân không còn mặn mà với cây chè. Bà Trần Thị Hồng, người có hơn 20 năm trồng chè ở xóm Chũng Na chia sẻ: Dù được trồng từ hàng chục năm nay song chè Bá Xuyên vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Vào dịp Tết, chè bán được với giá cao nhất là 200-250 nghìn đồng/kg, còn lại chỉ bán được với giá từ 80-120 nghìn đồng/kg. Nếu gia đình nào phải thuê người hái, chăm sóc chè (với giá 200 nghìn đồng/ngày công) thì tính ra không còn lãi được bao nhiêu. 

Trao đổi về vấn đề này, bà Nghiêm Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Trước thực trạng diện tích chè của xã Bá Xuyên giảm mạnh trong những năm gần đây, cơ quan chuyên môn của thành phố đã phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, cải tạo và trồng mới chè. Cùng với đó, Phòng đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 100% giống, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ kinh phí lắp đặt các điểm tưới tiết kiệm, nhưng do người dân không có nhu cầu nên chưa thể triển khai. Mới đây, Phòng cũng đã kết nối với một số doanh nghiệp, mời gọi thuê lại những diện tích chè người dân đã bỏ hoặc bị chết để cải tạo và trồng mới chè, song bà con không đồng thuận với giá thuê đất nên vấn đề này vẫn chưa có hướng giải quyết...

Thực tế cho thấy, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Bá Xuyên đang dần bị thu hẹp để phục vụ một số dự án, do vậy, những diện tích đất trồng chè bị “bỏ ngỏ” là rất lãng phí. Trước thực trạng đó, T.P Sông Công cũng như người dân cần có giải pháp hợp lý để duy trì vùng chè Bá Xuyên hoặc chuyển đổi sản xuất theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn.