Thời gian qua, T.P Sông Công là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai các dự án. Để có được kết quả này, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thành phố đã triển các quy trình thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư một cách bài bản, bảo đảm các yếu tố về pháp lý để hạn chế sai sót dẫn đến khiếu kiện.
Tính riêng 5 năm trở lại đây, T.P Sông Công đã GPMB 500ha để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng. Diện tích này chủ yếu phục vụ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; khu dân cư, khu đô thị mới; đường giao thông… Để bảo đảm yếu tố pháp lý một cách chặt chẽ, tháng 3-2019, T.P Sông Công đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố thẩm định hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất. Thành viên của Tổ gồm đại diện: Phòng Tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an, Trung tâm Phát triển quỹ đất, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Quản lý đô thị... Lãnh đạo Phòng Tư pháp được giao là Tổ trưởng.
Theo quy chế hoạt động, đối với những hồ sơ được Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Sông Công thực hiện các thủ tục thu hồi đất có vướng mắc, hoặc chưa có sự đồng thuận của người bị thu hồi thì sẽ được chuyển cho Tổ trưởng Tổ công tác. Trên cơ sở xem xét, phân loại, Tổ trưởng gửi hồ sơ tới các thành viên nghiên cứu, cho ý kiến bằng văn bản một cách độc lập và chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định.
Trong hạn định, Tổ tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố tổ chức họp, thành phần có đại diện các cơ quan, như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm Phát triển quỹ đất, chính quyền xã, phường có các hộ dân bị thu hồi đất và thành viên Tổ công tác để thống nhất các nội dung còn vướng mắc. Dựa trên những phân tích, ý kiến, quan điểm được đưa ra, lãnh đạo UBND thành phố sẽ có kết luận cuối cùng.
Hiện nay, những phần diện tích còn lại trong quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công II đang tiếp tục được san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng để bàn giao cho các chủ dự án.
Ông Nguyễn Đức Minh, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân T.P Sông Công, thành viên Tổ công tác, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ UBND thành phố nghiên cứu 53 hồ sơ, gồm: Căn cứ pháp lý thu hồi GPMB theo các bước từ cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, hồ sơ bồi thường hỗ trợ tái định cư, bảo vệ thi công, hồ sơ cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất... Các hồ sơ được chuyển đến theo phân công đều được nghiên cứu, có thể yêu cầu chỉnh sửa hoặc bổ sung căn cứ, tài liệu để bảo đảm quy định của pháp luật, tránh được tình trạng khiếu kiện.
Lấy dẫn chứng cụ thể: Khi thực hiện Dự án đường Thắng Lợi kéo dài, Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Sông Công đã làm các thủ tục thu hồi đất đối với một số hộ dân trên địa bàn phường Thắng Lợi, trong đó có 2 gia đình bà Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Hồng. Các hộ trên không đồng thuận do liên quan đến một bản án dân sự từ năm 1996 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Do thửa đất thu hồi nằm ở điểm đầu của Dự án nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công.
Để giải quyết vướng mắc, Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố đã tiến hành thẩm định, góp ý quy trình thực hiện; đặc biệt là các thành viên thuộc khối Nội chính đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ các nội dung gia đình yêu cầu về mặt pháp lý. Trên cơ sở hồ sơ thu hồi đất được xây dựng chặt chẽ và khoa học, cùng sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và các đoàn thể địa phương, 2 gia đình trên đã tự nguyện giao đất mà không cần sử dụng đến phương án cưỡng chế.
Ngoài giải pháp nêu trên, T.P Sông Công cũng quan tâm tiếp nhận, phân loại, xác minh làm rõ và giải quyết có tình, có lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai GPMB; đặc biệt là giải quyết các đơn thư, kiến nghị của các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót hoặc giải thích, định hướng dư luận, loại bỏ những thông tin không chính xác. Các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền cũng thường xuyên điều tra, thu thập thông tin để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là giá bồi thường về công trình, tài sản gắn liền với đất cho sát thực tế.
Đối với những hồ sơ bảo đảm căn cứ pháp lý, phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ, bảo đảm đúng chế độ, chính sách pháp luật và đã được giải thích, vận động, đối thoại công khai nhưng người dân vẫn cố tình khiếu nại, không bàn giao mặt bằng thì cơ quan chức năng kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất.
Từ thực tế ở T.P Sông Công có thể thấy, sáng kiến thành lập Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố thẩm định hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất cùng với việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm tính pháp lý trong GPMB đã phát huy hiệu quả tích cực. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và khẩn trương ổn định đời sống của các hộ dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.