Khơi dậy tinh thần tự tin, tự chủ của phụ nữ

08:46, 20/08/2021

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hiện có 262 nghìn hội viên, sinh hoạt ở 178 hội cơ sở. Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi”, giai đoạn 2016-2021 đã có hàng nghìn hội viên vươn lên làm kinh tế giỏi. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự tin, tự chủ của hội viên phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chị Dương Thị Chang, xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) là một điển hình như vậy. Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm chè của quê hương, năm 2016, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi diện tích chè trung du cằn cỗi, kém hiệu quả sang trồng chè cành giống mới, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ vậy chất lượng chè của gia đình chị dần được nâng lên. Hiện, gia đình chị Chang có gần 1ha chè chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, chị tích cực vận động, liên kết với chị em làm chè lâu năm trong xã để thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Văn Hán với mục tiêu trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xuất bán được hơn 60 tấn chè búp khô, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng. Chị Chang chia sẻ: Cơ hội, tiềm năng để phụ nữ nông thôn vươn lên làm giàu tại quê hương luôn sẵn có, quan trọng là mỗi người phải có nghị lực, khát vọng và phải tìm cho mình hướng đi đúng đắn. 

Cũng mạnh dan như chị Chang, năm 2012, chị Bàn Thị Hồng ở xóm Chiểm, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) đã trở thành người đầu tiên ở địa phương chuyển đổi gần 2ha bạch đàn, đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả như ổi, chuối, bưởi. Sau 3 năm, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch, mang lại thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Mới đây, gia đình chị cũng tiên phong thí điểm chuyển đổi 5.000m2 diện tích trồng bưởi, ổi sang chăm sóc theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Chiểm, chị Hồng còn nhiệt tình giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế bằng các hình thức cho vay vốn không lãi, cung cấp cây giống, giúp phụ nữ nghèo theo địa chỉ. 

Theo bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Để thúc đẩy phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi”, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội đã cụ thể hóa nội dung, tuyên truyền, triển khai phong trào về các hội cấp cơ sở. Đồng thời, tổ chức khảo sát, nắm bắt khó khăn, nhu cầu của hội viên nhất trong phát triển kinh tế, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, trang bị kiến thức... cho chị em; xây dựng các gương điển hình trong phát triển kinh tế để nhân rộng, tuyên truyền đến đông đảo hội viên về phong trào khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Hội cũng đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp; quan tâm kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên... 

Trong 5 năm (2016-2021), các cấp hội đã tổ chức được trên 2.600 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 173 nghìn lượt hội viên; hỗ trợ 202 phụ nữ khởi nghiệp về kiến thức sản xuất kinh doanh;  hỗ trợ 51 phụ nữ vay tổng số vốn trên 1,7 tỷ đồng. Hội đã thành lập 184 nhóm sở thích/tổ hợp tác, 511 mô hình phát triển kinh tế, 16 HTX, 17 cửa hàng liên kết, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức phi chính phủ để khai thác nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển kinh tế. Tính đến tháng 6-2021, tổng nguồn vốn do Hội quản lý là 3.287 tỷ đồng, cho gần 122 nghìn người vay.

Những hình thức hỗ trợ trên đã phần nào khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, vượt khó, thi đua phát triển kinh tế của phụ nữ. Nhờ vậy, ngày càng nhiều có phụ nữ vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình kinh tế ở nhiều ngành nghề khác nhau. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.513 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp cơ sở. Trong giai đoạn 2016-2021, đã có 2.376 hộ nghèo do nữ làm chủ được các cấp Hội phụ nữ giúp đỡ thoát nghèo (vượt 816 hộ so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XIII). Từ phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi” đã tạo động lực quan trọng, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tăng quyền làm chủ về kinh tế cho phụ nữ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.