Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao từ 10-55%. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Vậy nguyên nhân tăng giá là do đâu và có hay không tình trạng găm hàng, đẩy giá phân bón? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã tìm hiểu thực tế, làm việc với đơn vị cung ứng và cơ quan chức năng để tìm câu trả lời.
Nhiều năm kinh doanh nhưng chưa khi nào chị Nguyễn Thị Định, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) lại lâm vào cảnh ế ẩm như năm nay.
Chị Định chia sẻ: Thời điểm này cách đây 2 năm, trung bình, nhà tôi bán được 4-5 tạ phân bón/ngày nhưng hiện giờ chỉ bán từ 1-2 tạ/ngày. Giá phân đạm hiện là 13 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg; kali là 12 nghìn đồng/kg, tăng 4 nghìn đồng/kg và phân tổng hợp NPK là 8 nghìn đồng/kg, tăng 2 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu năm... Giá vật tư đầu vào tăng trong khi giá các mặt hàng nông sản lại giảm và khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên bà con e dè khi đầu tư vào sản xuất, khiến việc kinh doanh của chúng tôi cũng gặp khó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, đơn vị cung ứng khoảng 70% thị trường phân bón trong tỉnh khẳng định: Thời gian qua, có tình trạng phân bón tăng giá, nhất là mặt hàng đạm, kali. Nguyên nhân là do nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng sản xuất hoặc giảm công suất hoạt động khiến nguồn cung phân bón sụt giảm mạnh.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, logistics... đều tăng. Giá phân bón tăng kèm theo việc nhập hàng cũng gặp khó do dịch COVID-19 nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực đảm bảo đủ cung ứng cho người dân kịp thời vụ sản xuất và không có hàng tồn kho. Tất cả các đại lý, chi nhánh của Công ty ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đều niêm yết công khai giá bán, tuyệt đối không có tình trạng găm hàng, đẩy giá.
Làm việc với chúng tôi về nội dung trên, ông Nguyễn Tá, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 870 cơ sở kinh doanh phân bón. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra được 33 cơ sở. Qua kiểm tra, không phát hiện cơ sở nào vi phạm về nhãn mác, chất lượng hàng hóa, ko phát hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ mặt hàng phân bón... Bên cạnh đó, để nắm rõ về khả năng cung ứng các mặt hàng giống, phân bón đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và các huyện, thành, thị. Cơ bản, các mặt hàng đều đáp ứng nhu cầu sản xuất, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 39 nghìn ha lúa vụ mùa. Cùng với đó, bà con cũng đang tập trung chăm sóc gần 23 nghìn ha chè. Giá phân bón tăng cao đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng trên, nhằm duy trì sản xuất, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, cân đối, bảo đảm hiệu quả và tránh lãng phí. Cùng với đó, bà con nên đã tận dụng chất thải chăn nuôi, cây xanh làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm giảm tối đa chi phí. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng phân bón, bà con nên mua ở những đại lý có uy tín, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại đến sản xuất.