Nhắc đến Thái Nguyên, người dân trong cả nước vẫn ưu ái tôn vinh là vùng đất “Đệ nhất danh trà” bởi hương vị thơm ngon, đậm vị đặc trưng. Hơn nữa, trà Thái Nguyên đã trở thành món quà quý quốc gia dành tặng các nguyên thủ đến dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại T.P Đà Nẵng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giá trị của sản phẩm từ cây chè (đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu) trong tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; toàn bộ chuỗi từ tạo quỹ đất, quy hoạch vùng nguyên liệu, chọn và sản xuất giống chè; trồng, chế biến; tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khoảng trống, đứt quãng, lắp ghép…
Kỳ 1: Quy hoạch chậm so với tốc độ phát triển
Chè là một trong những cây trồng chủ lực có mặt ở 9/9 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung nhiều nhất là tại các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên. Mặc dù diện tích chè nhiều nhưng phân bố rải rác và có quá nhiều giống chè cùng tồn tại. Điều này đã tạo nên sự phong phú về sản phẩm nhưng cũng gây thách thức lớn trong việc quản lý chất lượng, sản xuất quy mô lớn.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng phát triển diện tích trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao. Trong ảnh: Người dân xóm Vân Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hái chè giống LDP1.
“Loạn” giống chè
Là một trong những thủ phủ chè của cả nước, với diện tích gần 23.000ha, Thái Nguyên hiện có tới 16 giống chè, như: Chè trung du, LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên, Keo Am Tích, TT95, Hương Bắc Sơn, VN12, VN15, TRI5.0, Long Vân, LDP2, Phúc Thọ 10, Phúc Vân Tiên… Mặc dù có nhiều giống chè được trồng nhưng qua kết quả kiểm nghiệm, đánh giá của cơ quan khuyến nông tỉnh, có 2 giống chè chủ đạo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tất cả các địa phương trong tỉnh và đều cho năng suất, chất lượng cao là LDP1, Kim Tuyên.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Thời gian tới, cùng với việc quy hoạch vùng trồng chè, Sở sẽ tiến hành cấp mã số cho các vùng chè nguyên liệu trong tỉnh để dễ truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng chè đã được cấp mã số”. |
Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thường trực Hội chè Thái Nguyên đánh giá: Duy trì nhiều giống chè cũng có mặt lợi là tạo ra nhiều loại sản phẩm nhưng nếu không có quy hoạch, phân vùng thì sẽ “trăm hoa đua nở”, nhiều mà không chất. Vì vậy, tỉnh nên lựa chọn ra những giống chè đặc trưng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác để định hướng hướng, khuyến khích người dân đưa vào sản xuất đại trà.
Việc người dân tự phát trồng nhiều giống chè và chia nhỏ theo quy mô hộ gia đình gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến tính đồng đều của sản phẩm, ít doanh nghiệp, nhà phân phối ký hợp đồng tiêu thụ lớn hay đầu tư sản xuất quy mô. Do vậy, đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện nên định hướng một số giống chè ưu việt để nhân rộng, tránh việc sản xuất quá nhiều giống chè nhưng mang tính manh mún, thử nghiệm rồi “chặt, trồng” như hiện nay.
Khó tạo vùng nguyên liệu rộng lớn
Là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, cây chè đã giúp nhiều hộ dân nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Với hiệu quả mà cây trồng này đem lại, nhiều địa phương đã có các chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất phù hợp sang trồng chè để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, tại mỗi địa phương, tập quán và cách thức canh tác không giống nhau, do vậy, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm chè được phân phối ra thị trường cũng không đồng đều về giá trị và số lượng tiêu thụ.
Chị Tống Thị Xuyến, Trưởng xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh cho biết: Cả xóm có 93 hộ dân làm chè với diện tích khoảng 30ha. Mặc dù bà con rất muốn đăng ký làm chè hữu cơ để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng do diện tích canh tác nhỏ lẻ nên chúng tôi không thể thực hiện được.
Hiện nay, sản xuất nhỏ lẻ, không có vùng nguyên liệu rộng lớn chính là rào cản để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với các hợp đồng lớn, cần sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng gặp khó khăn. Và nguyên nhân của sự không đồng đều về chất lượng sản phẩm xuất phát từ vấn đề quy hoạch phát triển cây chè.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Để xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã liên tục có Đề án phát triển cây chè, giai đoạn 2001-2005, 2006-2010, 2016-2020… Nhưng trước năm 2001, việc phát triển cây chè đã tự phát nên không quản lý triệt để được các giống chè đưa vào tỉnh. Ngay cả khi đã có Đề án phát triển cây chè, người trồng chè vẫn tự ý tìm mua các giống chè có trên thị trường để đưa vào trồng nên mới “loạn” giống chè như hiện nay.
Thành viên HTX chè an toàn Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh (Phú Lương) chế biến chè.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Để khắc phục những tồn tại trong sản xuất chè, huyện tập trung rà soát, quy hoạch các vùng chè tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ để xây dựng chính sách, kế hoạch hỗ trợ cấp mã vùng trồng, mã định danh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thâm canh chè; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu chế biến khép kín; đa dạng các sản phẩm từ chè…
Ông Nguyễn Đức Khuê, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh (Phú Lương): “Do diện tích sản xuất của bà con chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên chúng tôi không thể tiến hành quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung với diện tích lớn”. |
Còn theo đại diện lãnh đạo huyện Đồng Hỷ, trong thời gian tới, địa phương này sẽ quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung ở các xã như: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu. Huyện phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè đạt 4.100ha; trong đó, trên 80% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo quy trình sản xuất tốt (GAP), hữu cơ...
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, một trong những khó khăn trong quy hoạch vùng chè trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là do thiếu quỹ đất. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè cũng gặp khó khăn do một số bất cập của Luật Đất đai, Luật Trồng trọt và một số quy định của Chính phủ. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Hiện nay, chè được xác định là một trong 6 sản phẩm chủ lực, được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển với những cơ chế, chính sách riêng. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích chè lên 23.500ha hay lớn hơn nữa cần có dự báo của bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Có thể thấy, để cây chè phát triển bền vững, tỉnh nên quy hoạch sản xuất chè gắn với lợi thế vùng sinh thái, vùng nguyên liệu phù hợp với từng địa phương. Cùng với đó, tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè để không chỉ nội tiêu mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phầm trà thượng hạng có giá thành từ vài trăm đến cả nghìn USD/1kg như một số quốc gia đã làm.
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè; phấn đấu trồng mới và trồng lại trên 2.000ha với các giống như: Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, LDP1, TRI777, VN2, VN15, TRI5.0… Theo đó, đến năm 2025, chè giống mới sẽ chiếm 85% trong tổng diện tích của toàn tỉnh, góp phần nâng giá trị sản xuất chè đạt trên 7.970 tỷ đồng; giá trị sản phẩm đạt bình quân 350 triệu đồng/ha (tăng 250 triệu đồng so với năm 2015). |
(Còn nữa)