Không “ngủ quên” sau tôn vinh (kỳ 2)

07:06, 05/08/2021

Kỳ 2: Tiêu thụ sản phẩm chè: Chọn nội tiêu là thế mạnh Với gần 23.000ha chè trên địa bàn, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, sản lượng và chất lượng sản phẩm từ cây chè. Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài. Thế nhưng, trên thực tế, sản phẩm chè xuất khẩu của tỉnh hiện chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 1% trong tổng sản lượng. Do vậy, lựa chọn nội tiêu là hướng đi đúng nhưng nếu không xuất khẩu được các sản phẩm chè thượng hạng thì lại lãng phí, không đưa được “món quà quý của quốc gia” ngang tầm với những sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của các nước khác...

Độc tôn trên sân nhà

Được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”, lâu nay, các sản phẩm chè có nguồn gốc từ Thái Nguyên được nhiều khách hàng trong cả nước ưa chuộng. Minh chứng là tại 63 tỉnh, thành có 232 điểm cung ứng các sản phầm chè Thái Nguyên và hàng nghìn khách sạn sử dụng trà Thái Nguyên là một trong các loại đồ uống. 

Ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ: “Để gia tăng giá trị cho sản phẩm chè thì ngoài không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, người sản xuất cần tìm hiểu thấu đáo thị hiếu của người tiêu dùng, biết cách định hướng thị trường. Chúng ta không nên cung cấp những gì chúng ta muốn, mà hãy cung cấp những gì thị trường cần, tìm cách đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Bà Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX chè Hương Vân, ở tổ 11, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Khách hàng của chúng tôi là những người trực tiếp thưởng trà, không phải là các hộ kinh doanh. Do đó, chất lượng các sản phẩm trà chúng tôi xuất bán thường ở mức khá trở lên, giá bán trung bình từ 400-500 nghìn đồng/kg. Bình quân, mỗi tháng, HTX xuất bán lẻ cho khách hàng trên khắp cả nước được khoảng 4 tấn, doanh thu đạt 2 tỷ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các cơ sở sản xuất, đại lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn cho thấy, giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 150-280 nghìn đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280-450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá 2,5-3 triệu đồng/kg. 

Trong khi đó, giá chè đen xuất khẩu hiện dao động 1,7-2,0 USD/kg tùy chủng loại và chủ yếu sang các thị trường truyền thống không yêu cầu ngặt nghèo về quy chuẩn an toàn. Sự chênh lệch lớn về giá như vậy nên có thể lý giải được xu hướng tiêu thụ “êm đềm” của chè Thái Nguyên là thị trường trong nước.

Nguyên nhân khiến sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh lâu nay đạt thấp, bên cạnh lý do kém hấp dẫn về hình thức, số lượng sản phẩm được chế biến sâu chưa nhiều thì vấn đề an toàn thực phẩm đang là “rào cản” lớn nhất. Đặc biệt là khi tiếp cận vào các thị trường yêu cầu ngặt nghèo như: Mỹ, Anh, Nhật Bản… 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Hà Thái, xã Hà Thượng (Đại Từ), một trong những doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu chè sang thị trường nước ngoài và đạt một số danh hiệu tại các cuộc thi quốc tế đánh giá: Yêu cầu về sản phẩm chè nhập khẩu của các nước, như: Mỹ, Đức, Nhật Bản…. là phải “sạch”. Tức là khi kiểm tra, sản phẩm trà của chúng ta phải không tồn tại những chất có trong danh mục hàng trăm chất cấm của họ. Mà điều này, rất ít doanh nghiệp của ta có thể đáp ứng được.

 Của ngon… không thể chỉ nhà dùng

Không thể phủ nhận hoạt động sản xuất, tiêu thụ chè trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh đang rất tốt. Việc phát triển và mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm chè trong nước đã giúp các hộ và cơ sở sản xuất chè trong tỉnh có đầu ra ổn định.

Chế biến sản phẩm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX chè Tuyết Hương, ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ).

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chè Thái Nguyên hãy cứ tiêu thụ tốt trong tỉnh, trong nước, thay vì tiếng là xuất khẩu nhưng giá chỉ bằng 1/5 so với giá chè nội tiêu trung bình. Bởi lẽ, hiệu quả sản xuất không chỉ nhìn vào năng suất, sản lượng mà còn phải đánh giá qua giá trị sản phẩm đem lại.

Ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái (T.X Phổ Yên): “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi thường xuyên giám sát, kiểm định nguồn nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, hồi trả sản phẩm, phạt vi phạm hợp đồng đối với trường hợp không đạt tiêu chuẩn, dư lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép”.

Giải đáp nội dung này, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết: Do phần lớn lượng chè xuất khẩu chủ yếu là sang các thị trường “dễ tính”, không yêu cầu cao nên giá khá thấp, thậm chí còn thấp hơn mặt bằng chung trong nước. Do vậy, nhiều người làm chè khi nhắc tới xuất khẩu thì không mặn mà. Tuy nhiên, cần hiểu cặn kẽ nội tại vấn đề. 

Hiệu quả xuất khẩu thấp là bởi chúng ta chưa tiếp cận được với những thị trường tiềm năng, giá thu mua cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần trong nước như: Mỹ, Anh, Đức… Nhưng đi kèm với đó là yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng, mức độ an toàn của thực phẩm mà chỉ có sản phẩm chè hữu cơ mới có khả năng đáp ứng được. Song, thông tin về loại chè này còn rất mới đối với nhiều người làm chè, đó là chưa kể đến quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tốn nhiều thời gian, công sức…

Người Việt Nam thường uống trà nóng với nguyên liệu là trà khô nguyên thủy hoặc ướp hương hoa, còn người nước ngoài thì phải qua nhiều khâu chế biến mới dùng, có thể là nghiền mịn để chế biến thực phẩm, làm đồ uống... Bởi vậy, hướng đến xuất khẩu chè, người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh còn phải biết, nắm và hiểu được “gu” của người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) thông tin: Ngoài tiêu thụ trong nước, trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán trên 1 tấn chè, chủ yếu là dòng sản phẩm cao cấp. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, Anh… rất thích hương vị chè của chúng ta, thế nhưng, thói quen tiêu dùng của họ lại những sản phẩm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, trong khi đó, cách thưởng trà của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí này. 

Thêm vào đó, khẩu vị của họ là các loại chè có hương thơm mạnh, giảm vị chát, nồng độ tanin thấp. Do đó, hiện, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu, tăng cường đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiệm cận với thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng từ nước ngoài. Đồng thời, tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường…

Theo phân tích của các chuyên gia, dù vẫn xác định nội tiêu là thị trường tiềm năng song hướng đi tất yếu, sống còn trong tương lai của chè Thái Nguyên phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn với giá cao sẽ là bàn thắng “đúp” mang lại uy tín, thương hiệu đối với nông sản quốc gia, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần hiện tại thay vì chỉ “chiếm lĩnh” sân nhà như hiện nay. 

Và, “Đệ nhất danh trà” sẽ là đầu kéo để cả ngành Chè Việt Nam ghi dấu tương xứng trên bản đồ thế giới theo đề nghị của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - PTNT khi làm việc với chính quyền một số địa phương, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đầu năm 2021 vừa qua…

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc dự báo, sản lượng chè đen toàn cầu sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập kỷ tới và đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027. Còn sản lượng chè xanh sẽ tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm và đạt khoảng 3,6 triệu tấn vào năm 2027. Đây là tín hiệu vui cho thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam nói chung, của Thái Nguyên nói riêng.

(Còn nữa)