Hơn 30 năm trước, nhờ mạnh dạn chuyển đổi gần 1 mẫu đất trồng mía không hiệu quả sang trồng na, gia đình ông bà Doãn Viết Sỹ, bà Trương Thị Tình ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên đã trở thành những người tiên phong phát triển kinh tế, làm giàu từ cây na tại huyện Võ Nhai.
Hỏi chuyện về người đầu tiên trồng na thương phẩm ở Võ Nhai, bà con “chợ” đầu mối na xã La Hiên chỉ đường cho chúng tôi vào “rừng” na nằm dưới chân núi đá thuộc xóm Xuân Hòa. Trong căn nhà nhỏ giữa vườn cây ăn quả, bà Trương Thị Tình bùi ngùi: Ông nhà tôi (ông Sỹ – PV) mất năm 2019 vì bệnh hiểm nghèo. Còn tôi dù tuổi cao nhưng vẫn nặng lòng với cây na - thứ cây trồng như là tri kỷ với gia đình, giúp chúng tôi vượt qua gian khó, làm giàu từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Ngược dòng thời gian, năm 1979, bà Tình và ông Sỹ về làm công nhân tại Mỏ đá Xuân Hòa thuộc Công ty Xây dựng số 10 Bắc Thái. Khi đó, ông bà đã có với nhau hai cậu con trai, cuộc sống gia đình chật vật với đồng lương eo hẹp. Đồng lương công nhân quá thấp, ông bà ngược xuôi vay mượn tiền mua được hơn 1 mẫu đất, phần làm nhà, phần tăng gia trồng mía để cuối năm kéo mật bán như những nông dân khác ở địa phương. Nhờ cây mía, cuộc sống gia đình phần nào được cải thiện.
Tuy nhiên, một vài năm sau đó, cây mía cho hiệu quả ngày một thấp. Năm 1987, nhận thấy một số cây na trồng trong vườn nhà có nhiều ưu điểm như: Sai quả, vị ngọt đậm, thơm, cùi dày, ít hạt… ông Sỹ bàn với vợ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích mía sang trồng na. “Năm đó, nhiều người trong xóm can ngăn nhưng chúng tôi quyết tâm thay đổi” – bà Tình chia sẻ.
Bà Tình vẫn nhớ rõ, toàn bộ giống, ông bà lấy hạt thu hoạch từ 3 cây na chừng 5 năm tuổi trong vườn nhà đem ươm và trồng vào mùa Xuân năm 1987. Không phụ công người chăm sóc, sau 3 năm trồng, cây na cho lứa quả đầu tiên. Đúng như mong muốn, toàn bộ na năm đó đều có chất lượng tốt, quả to, cùi dày, vị ngọt đậm với hương thơm nhẹ, được người mua đánh giá cao.
Vụ năm đó, ông bà thu hoạch na và đem bán được 700 nghìn đồng. Những thành quả đầu tiên đã khẳng định hướng đi đúng đắn nên ông bà Sỹ - Tình càng quyết tâm, dành nhiều công sức chăm sóc vườn na. Những năm sau đó, cây na cho quả nhiều hơn, chất lượng ngày một cao giúp cho gia đình ông bà trở thành hộ kinh tế khá giả trong vùng.
Đặc biệt, thành công của gia đình ông bà Sỹ - Tình trở thành tấm gương phát triển kinh tế để bà con trong và ngoài xã học tập. Ban đầu, chỉ có các hộ dân trong xóm Xuân Hòa đến xin giống na về trồng, sau này, người dân các xóm khác và thậm chí là các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến… tìm đến tận nhà để mua giống na và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc.
Anh Nguyễn Đức Thanh, người dân xóm Xuân Hòa bộc bạch: Nhờ sự giúp đỡ của gia đình cô chú Sỹ - Tình, gia đình tôi đã phát triển được gần 1ha trồng na, cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng mỗi năm.
Từ gia đình ông bà Sỹ - Tình và các hộ đầu tiên, cây na nhanh chóng phát triển rộng khắp huyện Võ Nhai, trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu cho hàng trăm gia đình ở địa phương. Tính đến nay, toàn huyện có trên 450ha na đang cho thu hoạch với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Gia đình ông bà Sỹ - Tình là một trong những người có công lớn trong việc gây dựng vùng na thương phẩm tại xã La Hiên. Từ những hộ tiên phong trồng na thương phẩm như gia đình ông bà, đến nay, La Hiên đã trở thành vùng trồng na lớn nhất tỉnh. Sản lượng na mỗi năm của xã đạt trên 3.000 tấn, doanh thu mỗi năm khoảng 77 tỷ đồng. Nhờ trồng na, nhiều hộ dân có thu nhập khoảng 200 đến 250 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng/năm. Cây na đã trở thành “cây làm giàu” của người dân địa phương.