Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Phú Bình đã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó góp phần xây dựng thương hiệu, mang tới người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Năm 2021, huyện có 4 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm: Cao hươu của HTX nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng (xã Tân Hòa); dầu lạc của HTX nông nghiệp Quang Hà (thị trấn Hương Sơn); nem bùi của Cơ sở sản xuất Hải Tuyết (xã Thượng Đình) và tương của HTX Hồng Kỳ (xã Úc Kỳ).
Để Chương trình được triển khai hiệu quả, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tuyên truyền các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP tới các địa phương, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 750 lượt người về Chương trình OCOP; hướng dẫn các chủ thể thực hiện 6 bước theo chu trình OCOP (tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại); phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh khảo sát, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để tiếp nhận hỗ trợ 11 biển hiệu “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”; hỗ trợ các chủ thể, HTX thiết kế nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ…
Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng, các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện Phú Bình cũng tích cực đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
Anh Dương Đình Quang, Giám đốc HTX nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn chia sẻ: Tôi đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dầu lạc Đại Lộc. Để sản phẩm bảo đảm chất lượng, tôi đã liên kết với gần 200 hộ dân trồng lạc ở các xã Tân Kim, Tân Khánh, Bàn Đạt, Đào Xá… và yêu cầu các hộ cam kết cung cấp lạc thành phẩm bảo đảm chất lượng, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong quá trình trồng, chăm sóc… Cùng với đó, trong các công đoạn chế biến, HTX luôn tuân thủ nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Cũng là lần đầu tiên có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng, ở xã Tân Hòa cho hay: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình OCOP, HTX tuyên truyền tới các thành viên chăm sóc hươu bằng nguồn thức ăn sạch (cỏ, lá cây, một số loại quả…); sử dụng các loại thuốc thảo mộc để chữa bệnh cho hươu; tiêm phòng định kỳ cho đàn hươu nhằm tăng sức đề kháng… Với các bước chuẩn bị chu đáo, chúng tôi hướng tới mục tiêu cao hươu của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Thực tế cho thấy, tuy được đánh giá huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhiều tiềm năng để xây dựng các mặt hàng nông sản tiêu biểu, nhưng đến nay, huyện Phú Bình mới chỉ có sản phẩm cao ngựa bạch Trường Nguyên của của HTX ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Năm nay, huyện phấn đấu có 3-4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đến năm 2025 sẽ có ít nhất 12 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Để làm được điều này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, chủ thể đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao; hỗ trợ các chủ thể xây dựng nhãn hiệu, thiết kế tem nhãn, mẫu mã…; quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ… Từ đó, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của huyện trên thị trường trong và ngoài tỉnh.