Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài các chính sách lớn như hỗ trợ trực tiếp về thu nhập cho người bị mất việc làm; miễn, giảm, giãn thuế; giảm lãi suất cho vay… thì mới đây, Nhà nước tiếp tục có chính sách giảm tiền điện, nước sinh hoạt, cước viễn thông. Sự chung tay chia sẻ khó khăn của chính quyền các cấp đã nhận được phản hồi tích cực từ xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu.
Người dân, DN trong tỉnh đánh giá rất cao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Bởi sự chia sẻ dù lớn hay nhỏ trong thời điểm này đều rất ý nghĩa, nhất là đối với những trường hợp bị mất việc làm, giảm thu nhập do phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội.
Một số chính sách hỗ trợ đã được Nhà nước triển khai từ những đợt dịch trước, đến nay tiếp tục được duy trì. Đồng thời, các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính phủ được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai để giảm bớt khó khăn cho người dân, DN. Cụ thể, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã liên tục thực hiện giảm giá điện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tính đến hết tháng 7-2021, Công ty đang giảm giá điện 2 lần cho 362.718 khách hàng với tổng số tiền 231 tỷ đồng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, Công ty đã phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh rà soát đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng để tiếp tục giảm giá điện lần 3 và lần 4 cho người dân, DN.
Theo ông Ninh Vân Phong, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, đến đầu tháng 8-2021, các địa phương trong tỉnh chưa thống kê mới được tổng số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa rõ số tiền điện được giảm lần 3, lần 4 nhưng theo dự tính, kinh phí hỗ trợ cho khách hàng có thể lên đến nhiều tỷ đồng.
Mới đây, Sở Tài chính đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh về việc xem xét điều chỉnh giảm giá nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên vệ sinh hệ thống bể xử lý nước sinh hoạt. Ảnh: N.H
Việc giảm giá điện được triển khai tương đối nhanh và thuận lợi vì đây là Tập đoàn thuộc sự quản lý, sở hữu của Nhà nước. Đối với một số lĩnh vực khác, các đơn vị đã có động thái giảm giá dịch vụ theo yêu cầu của Chính phủ nhưng hiện chưa có kết quả chi tiết. Về vấn đề giảm giá nước sinh hoạt cho người dân, mới đây, Sở Tài chính đã có Văn bản số 3265/STC-QLGDN về việc thực hiện nội dung này theo yêu cầu của Chính phủ.
Ông Mai Trọng tấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Sở Tài chính đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan, UBND 9 huyện, thành, thị và các DN cung cấp dịch vụ nước sinh hoạt về việc xem xét điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, giảm tiền sử dụng nước để hỗ trợ người dân, DN. Theo đề nghị của Sở, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan báo cáo về nội dung này trước ngày 30/8/2021 để chúng tôi tổng hợp, tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể.
Tuy nhiên, khó khăn phát sinh là việc điều chỉnh giảm giá nước, giảm tiền sử dụng nước cho DN, người dân trong tỉnh có nguy cơ bị kéo dài vì hiện các đơn vị cung ứng nước sinh hoạt thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Trong đó, lượng lớn khách hàng trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt do Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên cung cấp nhưng DN này lại mới có văn bản gửi các ngành chức năng đề nghị tăng giá nước sinh hoạt với lý do để bù lỗ. Còn một số DN khác đang cung ứng dịch vụ nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh lại thuộc diện 100% vốn tư nhân nên sẽ thiếu tính chủ động trong việc thực hiện lộ trình giảm giá nước cho khách hàng.
Riêng giá cước viễn thông hiện chưa rõ mức giảm. Ông Ngô Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) nói: Để hoạt động bưu chính, viễn thông phục vụ hiệu quả, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị cần bảo đảm đường truyền, chất lượng dịch vụ. Về nội dung hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được các nhà mạng triển khai theo hình thức giữ nguyên mức tiền nhưng nâng cao chất lượng các gói dịch vụ, còn việc giảm giá cước trực tiếp theo chỉ đạo của Chính phủ thì chưa có lộ trình cụ thể về mức giảm, số tiền giảm đối với từng nhà mạng…
Ngoài việc giảm giá điện, nước sinh hoạt, cước viễn thông, một số gói hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ khi triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm hoặc ít đối tượng được thụ hưởng do quy định về tiêu chuẩn hỗ trợ thường rất chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều loại thủ tục, giấy tờ cần thực hiện.
Theo đề nghị của người dân, DN, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, ý nghĩa nhưng cần được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, bảo đảm đúng đối tượng và tránh phiền hà, phức tạp.