COVID-19 và mối lo nợ xấu

09:37, 17/09/2021

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. Điều này khiến nợ xấu của các ngân hàng (NH) tăng trong những tháng gần đây và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều đã và đang triển khai tích cực, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của NH Nhà nước để giúp khách hàng có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 4 trở lại đây, đã khiến nhiều DN bị gián đoạn dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỉ trọng vay mượn NH để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao… khiến nợ xấu tăng trở lại.

Mặc dù nợ xấu thường lộ diện chậm hơn một bước và có độ trễ khá dài nhưng đến thời điểm này, không ít DN, trong đó có cả DN vừa và lớn bắt đầu rơi vào tình trạng đuối sức, mất khả năng trả nợ. Tính đến hết tháng 8, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 910 tỷ đồng, chiếm 1,35%/tổng dư nợ, tăng 170 tỷ đồng so với cuối quý II/2021. Thực trạng này được cho là đáng lo ngại nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài.

Còn theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Chi nhánh Thái Nguyên - NH có dư nợ cho vay chiếm tới 20% thị phần trên địa bàn tỉnh: Dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua đã khiến phần lớn hoạt động của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, BIDV Thái Nguyên cũng chịu tác động không nhỏ. Tính đến đầu tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh là 51 tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ, song tăng tới 3,5 lần so với đầu năm. 

Là một trong những DN vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan phân tích: Nhiều tháng nay, chỉ khoảng 1/3 số xe của Công ty hoạt động nhưng công suất cũng chỉ bằng 30% bình thường. Hà Lan hiện rơi vào tình cảnh càng hoạt động, càng thua lỗ, nhưng vẫn phải duy trì để giữ khách hàng, nếu không muốn bị phá sản. Trong khi đó, Công ty vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động và nhiều khoản chi phí khác, trong đó có lãi suất NH. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thì khoản vay gần 200 tỷ đồng của Công ty rất dễ trở thành nợ xấu.

Trước bối cảnh này, ngành NH đã đưa ra nhiều giải pháp để kiềm chế nợ xấu. Trong đó, tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, chủ động nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như phân tích, đánh giá, dự báo mức độ thiệt hại nhằm kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. 

Cùng với đó, các NH cũng chủ động nhận diện những khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn chặn, đảm bảo kiểm soát nợ xấu. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng các quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các văn bản sửa đổi bổ sung, nhằm giúp khách hàng có điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn. Ưu tiên hỗ trợ các DN có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiết giảm chi phí để tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới theo quy định của từng NH.

Có thể nói, với một ngành được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, còn nợ xấu được coi là “cục máu đông” thì việc xử lý nợ xấu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hạn chế tối đa sự tắc nghẽn, cũng như những cản trở trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, việc xử lý “cục máu đông này” rất cần sự hợp tác của cả NH và khách hàng, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp để giúp DN yên tâm duy trì trong hoạt động ổn định. Chỉ khi tất cả cùng vào cuộc có trách nhiệm thì nợ xấu của ngành NH mới được hạn chế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch khác.