Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Dự kiến những tháng cuối năm, ngành Công nghiệp của tỉnh sẽ phải nỗ lực hơn nữa để bù đắp những thiếu hụt dịp đầu năm, nhất là khu vực công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý III/2021 đã duy trì được mức tăng trưởng dương, dù tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp của tỉnh tăng 7,26% so với cùng kỳ. Đóng góp tích cực cho Ngành là các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Điện thoại thông minh, camera truyền hình, vonfram và sản phẩm từ vonfram, sản phẩm may mặc, sắt thép các loại... Các sản phẩm này đều đạt giá trị cao và tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong từng khu vực công nghiệp, chỉ có lĩnh vực khai khoáng là giảm, còn các khu vực khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt… đều tăng.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, 9 tháng qua cả tỉnh ước đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ và bằng 72,5% kế hoạch cả năm.
Kết quả này cho thấy, nhiệm vụ của những tháng còn lại là không hề nhỏ. Theo tính toán chuyên môn, để đạt được mục tiêu kế hoạch cả năm thì giá trị sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 cần đạt trên 230 nghìn tỷ đồng.
Nhưng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% của cả năm thì giá trị sản xuất công nghiệp quý IV phải cao hơn nữa, tức là phải đạt 242,6 nghìn tỷ đồng mới đủ bù đắp thiếu hụt của khu vực dịch vụ.
Theo nhận định của Cục Thống kê, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ của khu vực FDI là nặng nề hơn cả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp với nhiều biến thể lây lan nhanh hơn, mạnh hơn không chỉ ở trong nước mà còn cả trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, trong những tháng còn lại của năm 2021 cần tiếp tục tăng cường sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng mũi nhọn của tỉnh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử...
Hiện nay, sản phẩm của các doanh nghiệp FDI đều cơ bản phục vụ xuất khẩu, nên cần phải có các giải pháp thúc đẩy thị trường xuất khẩu. Theo dự báo, thời gian tới nhu cầu hàng hoá xuất khẩu sẽ tăng cao do các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế sẽ tiếp tục triển khai các gói kích cầu thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Được biết, hiện nay tỉnh đang quan tâm đến các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm những đơn hàng mới, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng bên cạnh thị trường truyền thống và tận dụng lợi thế từ các hiệp định song phương, đa phương để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu…