Hệ thống ngân hàng ứng phó dịch ở thế chủ động

09:19, 23/09/2021

Thời gian qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, mặc dù một số ngân hàng có F0 trực tiếp đến giao dịch nhưng nhờ làm tốt công tác phòng chống và xây dựng hiệu quả các kịch bản ứng phó nên đã không có trường hợp tiếp xúc gần nào bị lây nhiễm, các hoạt động giao dịch ngay sau đó đã được đảm bảo. Điều này đã góp phần giúp việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của cả hệ thống đạt cao so với cùng kỳ cũng như toàn Ngành.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, các ngân hàng đã sớm ý thức được tính chất, mức độ nguy hiểm và những rủi ro mà dịch có thể mang lại nên ngay từ cuối quý I/2020, nhiều ngân hàng đã xây dựng được kịch bản để ứng phó với các cấp độ. Trong quá trình diễn biến của dịch, các đơn vị lại có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Đặc biệt, trong đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4, trước diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có những địa phương giáp ranh với Thái Nguyên thì ý thức phòng dịch của các đơn vị lại càng được nâng lên.

Tùy theo quy mô của từng chi nhánh mà có đơn vị chia số lượng cán bộ, người lao động thành 2- 3, thậm chí 4 kíp làm việc khác nhau để dự phòng trường hợp kíp này có người nhiễm hoặc vô tình tiếp xúc với F0 sẽ có kíp khác thay thế. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên khi biết có F0 đến giao dịch và bị phong tỏa, các đơn vị đều không bị xáo trộn nhiều.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Đơn vị luôn thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, như phun khử khuẩn định kỳ 1 lần/tuần tại các địa điểm giao dịch; yêu cầu nhân viên và khách hàng nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc; khách hàng đến giao dịch đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tại cửa ra vào. Triển khai tiêm văc-xin cho 100% cán bộ, nhân viên đủ điều kiện.

Đặc biệt, Chi nhánh đã chủ động xây dựng các kế hoạch dự phòng về nhân sự, y tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Chính vì thế, khi nhận được thông tin (lúc 17h ngày 6-7) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại trụ sở Chi nhánh có trường hợp F0 đến giao dịch từ 7h40 đến 8h08 ngày 28-6-2021, đơn vị đã kiểm tra camera, xác định được 5 trường hợp F1 và rà soát các trường hợp tiếp xúc gần.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng lên kế hoạch cách ly theo quy định; lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ nhân viên và phun khử khuẩn toàn bộ trụ sở Chi nhánh ngay trong tối 6-7.

Chi nhánh cũng đã tạm thời đóng cửa Trụ sở trong vòng 24h và điều hướng khách hàng đến giao dịch tại 3 Phòng giao dịch trực thuộc.

Với cách làm này, Vietcombank Thái Nguyên đã hạn chế được thấp nhất những ảnh hưởng đối với khách hàng và không chi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên, khi đơn vị thực hiện lệnh phong tỏa của cơ quan chức năng ngày 18-6 do có trường hợp F0 đến giao dịch hôm 15-6, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, lãnh đạo đơn vị đồng thời cũng chỉ đạo thực hiện ngay phương án làm việc từ xa theo cấp độ 3 (cấp độ cao nhất).

Theo đó, bộ máy làm việc tại địa điểm dự phòng ở Agribank Chi nhánh Sông Cầu (cách Hội sở chính khoảng 1km) đã được kích hoạt. Đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chuyển địa điểm giao dịch tạm thời. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn hoạt động tại cả địa điểm mới và địa điểm cũ để các hoạt động cốt lõi vẫn diễn ra liên tục.

Đối với cán bộ thuộc diện F1 phải đi cách ly, cũng nhờ có sự chủ động về phương án nhân sự thay thế từ các chi nhánh loại hai trực thuộc nên các hoạt động giao dịch vẫn đảm bảo, không bị gián đoạn…  

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên tuy đến nay chưa ghi nhận có trường hợp F0 nào đến giao dịch nhưng ngay từ ngày 10-3-2020, đơn vị này cũng đã xây dựng Kế hoạch duy trì hoạt động liên tục ứng phó với dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Hội sở chính.

Trong Kế hoạch này, BIDV Thái Nguyên đã đánh giá những nguy cơ có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh và tại Chi nhánh. Từ đó đưa ra kịch bản dịch xảy ra ở 3 cấp độ, trong đó, cấp độ 3 là bị phong tỏa toàn bộ trụ sở Chi nhánh, phòng giao dịch.

Tương ứng với mỗi cấp độ, Chi nhánh cũng đưa ra danh mục các nghiệp vụ trọng yếu, sắp xếp thứ tự hoạt động ưu tiên và yêu cầu mục tiêu bảo đảm duy trì liên tục trong từng cấp độ.

Ngay cả việc xác định các nhà cung cấp tài sản, dịch vụ thiết yếu chính; nhà cung cấp dự phòng; danh sách các khách hàng quan trọng... cũng được tính toán cẩn thận.

Có thể nói, nhờ sự chủ động trong công tác phòng, chống cũng như xây dựng các kịch bản để ứng phó với dịch COVID-19 nên các ngân hàng trên địa bàn tỉnh không chỉ giữ được sự an toàn mà còn giúp cả nhân viên ngân hàng và khách hàng yên tâm, tự tin hơn khi tiếp xúc, làm việc.

Qua đó góp phần quan trọng giúp các đơn vị nói riêng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói chung thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 67.469 tỷ đồng, tăng 7,97% so với cuối năm 2020, cao hơn so với toàn Ngành khoảng 1% (trong khi cùng kỳ chỉ đạt 5%, thấp hơn bình quân chung cả nước); huy động vốn tăng 14,83% (đạt 84.705 tỷ đồng), cao hơn toàn Ngành 2,83%.