Dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường kéo dài gần 2 năm qua khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Song nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng kịch bản thực hiện “mục tiêu kép” linh hoạt, các DN không những trụ vững trong gian khó mà mà còn góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về tác động của dịch COVID-19 đối với sản xuất, kinh doanh, đại diện một số DN trên địa bàn tỉnh cho rằng, đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nó chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực, phân khúc nhất định, điển hình như vận tải, du lịch, nhà hàng... chứ không phải trên tất cả mọi mặt. Thực tế cho thấy, khó khăn của lĩnh vực này lại là cơ hội ngành, đơn vị khác. Trong thực hiện mục tiêu kép, phải thực hiện linh hoạt các giải pháp để “giải cứu” các lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu và quan trọng nhất là tạo điều kiện, môi trường cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế bứt phá, nhằm giữ vững và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, không để đứt gãy chuỗi giá trị kinh tế.
Đặc biệt, sự chủ động trong phòng, chống dịch đã khiến cho “sức đề kháng” của các DN Thái Nguyên ngày càng cao. Nhiều DN đã tận dụng thời điểm không có dịch bệnh để nâng công suất, chủ động dự trữ nguyên, nhiên liệu, bảo đảm chuỗi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa được thông suốt. Điển hình như: Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Tập đoàn An Khánh, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên…
Đối với Công ty CP Elovi Việt Nam (đứng chân trên địa bàn T.X Phổ Yên) - 1 DN FDI có nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sữa, công tác phòng, chống dịch luôn được ưu tiên hàng đầu. Ông Cao Văn Kiên, Giám đốc Khối sản xuất của Công ty cho biết: Trong tình hình mới, bên cạnh những giải pháp linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh, chúng tôi yêu cầu 100% công nhân thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường, 2 điểm đến”; bắt buộc phải kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào xưởng sản xuất; không tiếp xúc với người ngoài, thực hiện tốt quy định 5K; cài đặt ứng dụng Bluezone… Nhờ đó, 8 tháng qua, Công ty vẫn bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 360 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Với lợi thế phát triển công nghiệp, các DN cũng đang tích cực tham gia vào phương án chủ động nguồn oxy y tế theo phương châm “4 tại chỗ” của tỉnh khi địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và nhu cầu sử dụng khí oxy cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Tại Khu công nghiệp Yên Bình, ông Nguyễn Đình Huề, Giám đốc Nhà máy Messer Thái Nguyên thông tin: Ngoài Nhà máy tách khí Nito đang hoạt động, Tập đoàn Messer của Đức hiện đang đầu tư một nhà máy sản xuất khí oxy tại Thái Nguyên, dự kiến đến quý 2/2022 sẽ đi vào hoạt động.
Có thể nói, nhờ các DN đã thích ứng dần với trạng thái bình thường mới để vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh nên 8 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,49% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,84%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,14%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,68%.
Đây là tín hiệu tích cực khi trong bối cảnh cả nước và quốc tế đều đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Cũng nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt nên lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 đã có xu hướng tăng so với trước đó. Theo kết quả khảo sát, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tăng 0,48% so cùng thời điểm tháng trước, trong đó, lao động khu vực DN ngoài Nhà nước tăng 1,36%; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,29%...