“Chè trung du có hương vị riêng mà không giống chè nào có được, đó là màu nước vàng óng như mật ong, vị chát đầu lưỡi nhưng lại ngọt hậu nơi cuống họng. Đặc điểm này đã làm nên thương hiệu của chè Tân Cương bấy lâu nay. Với lí do đó, nhiều hộ dân ở trong xã vẫn gìn giữ, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chè trung du”. Anh Nguyễn Thanh Dương, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Theo các tài liệu ghi lại, giống chè trung du có nguồn gốc ở Phú Thọ, được cụ Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt) cùng người dân ở Thái Nguyên đem về trồng ở xã Tân Cương từ những năm 1920. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chè trung du sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng ngon. Chè trung du trồng ở Tân Cương có đặc điểm lá nhỏ, thuôn dài, màu xanh thẫm, gốc xù xì. Khi làm trà sẽ cho cánh màu xanh đen, xoăn đều. Khi pha, nước cho màu vàng óng như mật ong, thơm dịu mùi cốm non, có tiền vị chát, hậu ngọt rất lâu. Tuy nhiên, theo thời gian, sự xuất hiện của các giống chè cành mới cho năng suất, chất lượng cao đã dần chiếm ưu thế nên cây chè trung du dần vắng bóng trong những mảnh vườn ở Tân Cương.
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất có truyền thống làm chè nên mọi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè anh Nguyễn Thành Dương đều nắm rõ. Vào khoảng năm 2005-2010, nhiều hộ dân địa phương phá bỏ diện tích chè trung du già cỗi để trồng các giống chè cành mới, anh Dương cũng khá lưỡng lự. Tuy nhiên, sau khi đi thực tế tại nhiều địa phương, tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ về cây chè, anh đã quyết định giữ lại diện tích chè trung du của gia đình để cải tạo, chăm sóc. Anh chia sẻ: Cây chè trung du nhiều năm tuổi nếu không biết cách chăm sóc dễ bị bệnh nấm rễ, nguyên nhân chính dẫn đến năng suất giảm và cây có thể bị chết. Để chữa bệnh này, người dân phải tẩy độc tố trong đất, đưa chế phẩm phục hồi rễ và chăm sóc bằng cách bón phân hữu cơ. Tuy nhiên, thời gian phục hồi có thể mất hàng năm trời, nếu không kiên trì thì rất dễ bỏ cây.
Các thành viên của HTX chè Trung du Tân Cương thu hái chè trung du.
T.P Thái Nguyên đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021-2025, trong đó, nhấn mạnh việc bảo tồn, duy trì giống chè trung du đầu dòng. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè trung du đạt 30% tổng diện tích chè của toàn thành phố. |
Cũng theo anh Dương, chè trung du trồng bằng hạt nên rất bền cây, có thể khai thác trong hàng chục đến hàng trăm năm. Hơn nữa, cây chè trung du có thể sản xuất ra các dòng sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao, chất lượng hảo hạng, hương vị đậm đà mà giống chè khác không đáp ứng được. Anh Dương nói: Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy phần lớn khách hàng, nhất là những vị khách “khó tính” thường nhớ hương vị chè Thái Nguyên qua vị chát, đậm ngọt hậu. Đó là động lực để tôi quyết tâm bám trụ với cây chè trung du.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, anh Dương đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) chè trung du Tân Cương, với 8 thành viên và 75 hộ dân liên kết. Mục đích để tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm chè trung du, xa hơn nữa là gìn giữ, bảo tồn giống chè này. Hiện nay, vùng nguyên liệu của HTX có trên 20ha, trong đó, trên 50% diện tích trồng chè trung du với nhiều sản phẩm chất lượng như: Trà trung du Tân Cương thượng hạng; trà Tân Cương ướp sen Hồ Tây; trà tước thiệt Tân Cương... Bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường từ 5-7 tấn chè búp khô các loại, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/tháng.
Để gìn giữ, duy trì giống chè trung du, anh Dương còn là người đầu tiên tham gia Dự án “Bảo tồn và phát triển giống chè trung du nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè của Thái Nguyên” do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai năm 2017. Thời gian tới, dự định của anh Dương là tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng giống chè trung du trồng bằng cành, đồng thời, chuyển dần quy trình chăm sóc toàn bộ diện tích chè sẵn có từ VietGAP sang hướng hữu cơ.