Để các dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai bảo đảm tiến độ kế hoạch thì cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư còn có một yêu cầu quan trọng nữa đó là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải được thực hiện trước và hiệu quả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác GPMB trong một số dự án trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện “cuốn chiếu”, phải vừa làm vừa… đợi. Điều này dẫn đến dự án dang dở, tổ chức, cá nhân có tài sản nằm trong vùng dự án kiến nghị, khiếu nại gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ban hành ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã yêu cầu: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành quyết liệt, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm trong công tác bồi thường, GPMB tại địa phương.
Triển khai Nghị quyết này, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc nên kết quả công tác GPMG 8 tháng năm 2021 tiến triển hơn nhưng vẫn còn nhiều dự án thiếu mặt bằng sạch.
Hiện ngoài Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) có chức năng thực hiện công tác GPMB, 9/9 huyện, thành, thị của tỉnh đều có tổ chức thực hiện chức năng này.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 687 dự án đầu tư nên nhu cầu về mặt bằng sạch để thi công rất lớn. Đặc biệt, tại các địa phương phía Nam của tỉnh, gồm: T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình và T.P Thái Nguyên yêu cầu về công tác GPMB rất cao vì liên tiếp có dự án đầu tư mới.
Riêng T.P Thái Nguyên, ngoài Trung tâm Phát triển quỹ đất còn có thêm Ban Quản lý Dự án sông Cầu có chức năng GPMB nhưng lượng công việc vẫn quá tải.
Trong 3 quý của năm 2021, T.P Thái Nguyên đã thực hiện thống kê, kiểm đếm đất, tài sản và phê duyệt bồi thường, GPMB đối với 614 hộ gia đình, cá nhân, 3 tổ chức với diện tích thu hồi trên 28,59ha đất thuộc 33 dự án, số tiền hỗ trợ, bồi thường đã chi trả là trên 361,19 tỷ đồng.
Một số dự án đã, đang được T.P Thái Nguyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, như: Đường đô thị động lực; đường Bắc Sơn kéo dài; đường Việt Bắc kéo dài; Dự án Khu đô thị Cao Ngạn-Chùa Hang, các khu dân cư đường Việt Bắc... Để có được kết quả trên, lực lượng làm công tác GPMB của thành phố và chính quyền các phường, xã đã rất nỗ lực nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn phàn nàn vì thiếu mặt bằng sạch, cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất bố trí cho các dự án quá ít nên tiến độ công việc chuyên môn không bảo đảm.
Lý giải về việc này, đại diện các cơ quan chuyên môn của T.P Thái Nguyên thông tin do có nhiều dự án thi công cùng lúc nên nhân lực thực hiện công tác GPMB phải bị chia nhỏ.
Tại các địa phương khác của tỉnh như: T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình và T.P Sông Công cũng có một số dự án chủ đầu tư thông tin là thiếu mặt bằng sạch nên ảnh hưởng đến tiên độ thi công.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Sông Công cho biết: Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Sông Công đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thu hồi đất ở những dự án trọng điểm. Trong đó, có Dự án Khu công nghiệp Sông Công 2, Khu dân cư Tân Tiến và các dự án khu dân cư, khu đô thị. Với những dự án lớn như đường cách Mạng Tháng Tám kéo dài, Dự án Khu nhà ở Bách Quang của Tập đoàn Danko và Dự án Khu dân cư Cầu Trúc, Trung tâm đều bố trí nhân lực để triển khai công tác GPMB. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó, nhất là việc thu hồi đất ở của các hộ dân phải có quỹ đất tái định cư, một số tổ chức, cá nhân đòi hỏi giá đền bù cao hơn so với khung quy định của Nhà nước...
Mặc dù công tác GPMB trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ này vẫn còn rất lớn.
Nhiều dự án vướng mắc GPMB kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm làm chậm tiến độ triển khai, đánh mất cơ hội thu hút đầu tư. Đơn cử như Dự án Cụm công nghiệp Điềm Thụy đã có một số nhà đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc đến khảo sát, đặt vấn đề thuê mặt bằng kinh doanh nhưng do chưa có mặt bằng sạch nên chủ đầu tư không đủ điều kiện ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, nguy cơ mất cơ hội thu hút nguồn vốn.
Hay như Dự án Khu dân cư đường Việt Bắc (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) phải giải phóng mặt hơn 60ha nhưng đến hết quý III/2021, cơ quan chức năng mới GPMB trên 60% diện tích. Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng qua 8 tháng năm 2021 công tác GPMB vẫn chưa có tiến triển…
Một số nhà đầu tư kiến nghị nên sớm được cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB theo cơ chế điều tiết nguồn nhân lực giữa các địa phương, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.
Có nhà đầu tư còn mạnh dạn đề nghị xem xét phương án điều tiết lượng việc ở những nơi quá tải để Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh và trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện miền núi ít việc đảm nhận.