Thu nhập được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, các địa phương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững thu nhập cho người dân.
Cũng như các địa phương khác trong vùng đồng bào DTTS và MN, khi xây dựng NTM, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) gặp không ít khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do xã thuộc diện 135, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, thu nhập của người dân còn ở mức thấp. Song bằng nhiều nỗ lực, cuối năm 2020, xã Hợp Tiến đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định tiêu chí thu nhập là một trong những nội dung quan trọng. Bởi thu nhập của người dân có được nâng cao thì mới có điều kiện thực hiện các tiêu chí khác. Ðể tăng mức thu nhập cho người dân, xã đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; vận động 25 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã nhận các lao động là người địa phương vào làm việc; tuyên truyền, giới thiệu người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các công ty, nhà máy...
Nhờ các giải pháp đồng bộ, thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn dần được nâng lên qua từng năm. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt gần 37 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2016). Việc nâng cao thu nhập là một chặng đường dài đối với xã Hợp Tiến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất, kinh doanh, việc làm của người dân bị ảnh hưởng, đặt ra yêu cầu trước mắt cho cấp ủy, chính quyền địa phương là phải giữ vững thu nhập cho người dân.
Ông Lê Văn Nguyên cho biết thêm: Xã nằm tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang, địa phương vừa trải qua đợt bùng phát dịch trên diện rộng, nên việc tiêu thụ nông sản của người dân gặp khó khăn. Do đó, để nông sản làm ra được lưu thông thuận lợi, xã Hợp Tiến đã tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm mang ra 4 chốt kiểm soát dịch bệnh bán cho các thương lái; tạo điều kiện cho các thương lái đến thu mua. Tất cả các khâu đều được kiểm soát, đảm bảo theo các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, địa phương cũng đề nghị UBND huyện, các đoàn thể vận động hội viên, người lao động mua giúp các loại rau, củ, quả cho bà con.
Cũng như xã Hợp Tiến, để tránh nguy cơ tụt chuẩn tiêu chí thu nhập do tác động của dịch COVID-19, các xã đạt chuẩn NTM thuộc vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân. Ông Trịnh Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng (Võ Nhai) thông tin: Xã hiện có 40ha na đã cho thu hoạch. Mọi năm, việc tiêu thụ na của bà con rất thuận lợi do có nhiều thương lái từ các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đến thu mua. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cả vụ chỉ có 1 thương lái từ tỉnh ngoài đến thu mua. Do đó, xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ na giúp nhân dân. Đến thời điểm này, 280 tấn na của bà con đã được tiêu thụ hết.
Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh: Đến nay, đa số các xã vùng DTTS và MN trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, kinh tế của các địa phương này chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên khi dịch bệnh xảy ra, sẽ tác động lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của bà con. Để khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19, thời gian qua, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con duy trì sản xuất; hỗ trợ người dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, kênh xúc tiến thương mại của tỉnh, các sở, ngành. Riêng đối với sản phẩm chè, ngành Nông nghiệp đã vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tích trữ, bảo quản sản phẩm để phục vụ thị trường sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát...