Xứng đáng “phên dậu” phía Bắc Thủ đô

09:11, 01/09/2021

Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang tưng bừng, phấn khởi hướng tới ngày kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021). Gần 190 năm đã trôi qua kể từ khi thành lập, Thái Nguyên hôm nay đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng quý báu, năng động, sáng tạo, khơi nguồn phát triển, từng bước khẳng định vị trí trung tâm vùng của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tên gọi Thái Nguyên đã có từ lâu đời nhưng chính thức được gọi là tỉnh Thái Nguyên dưới thời vua Minh Mạng vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Sách Đại Nam Thực Lục, tập 3, trang 219 có ghi: Ngày 04/11/1831, nhằm ngày mùng 1 tháng 10 Tân Mão, năm Minh Mạng thứ 12, nhà vua phê chuẩn nhiều công việc trong đó có việc ban hành cơ chế quản lý hành chính mới, thành lập hơn 20 tỉnh.

Trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh bao gồm 2 Phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ; 2 Châu là Bạch Thông và Đinh Châu. Từ xưa, Thái Nguyên được coi là “phên giậu” che chắn phía Bắc kinh thành Thăng Long; thường xuyên phải đối mặt với các thế lực ngoại bang, chính vì vậy, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã sớm hun đúc cho mình một bản lĩnh kiên cường, bất khuất.

Dưới ách chiếm đóng của thực dân Pháp, không cam chịu cuộc đời nô lệ, nhân dân trong tỉnh liên tục hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa, trong đó có Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do các ông: Trịnh Văn Cấn, Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Năm 1936, tại xã La Bằng (Đại Từ), tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng ở Thái Nguyên.

Đô thị Thái Nguyên đang từng ngày, từng giờ phát triển. Ảnh: Trần Minh

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng ở Thái Nguyên. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, 4 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và các huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm An toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước - trong đó huyện Định Hóa là trung tâm. Từ đây, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh của cả dân tộc đã được ban hành...

Ngày nay, với vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với các tỉnh vùng núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh trong vùng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Về giáo dục - đào tạo, Thái Nguyên là trung tâm lớn thứ 3 của cả nước, hằng năm đào tạo, bồi dưỡng gần 20.000 sinh viên có trình độ cao đẳng, đại học; trên 2.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh; cung cấp hàng chục nghìn cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và cả nước.

Một trong những thế mạnh của tỉnh là sản xuất công nghiệp. Hiện nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phát triển mạnh với 7 ngành lớn: Công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng; hoá chất; sản xuất và phân phối điện, nước và xử lý chất thải; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất kim loại; khai thác và chế biến khoáng sản.

Thái Nguyên còn được biết đến là vùng đất “Đệ nhất danh trà” với những sản phẩm chè nổi tiếng trong và ngoài nước bởi hương vị đặc trưng, độc đáo, ghi dấu ấn đậm nét trong văn hóa trà Việt. Hiện nay, sản xuất chè của tỉnh đang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; nhiều thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng đã giành giải thưởng lớn tại các cuộc thi chất lượng chè quốc tế.

Cùng với cây chè, Thái Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái, với hồ Núi Cốc nổi tiếng và gần 800 di tích được kiểm kê trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 46 di tích cấp quốc gia, 199 di tích cấp tỉnh. Nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Nùng ở Thái Nguyên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải qua những thăng trầm của lịch sử, với nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng luôn trường tồn và phát triển. Thái Nguyên hôm nay đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng quý báu, năng động, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự đổi thay lớn lao trên quê hương cách mạng.