Buồn, vui làng nghề thời COVID

08:36, 10/10/2021

Không nhộn nhịp như trước, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết làng nghề trên địa bàn tỉnh có phần trầm lắng hơn. Nhưng rồi, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều làng nghề đang dần thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát.

Xuất – nhập đều khó

Làng nghề mộc mỹ nghệ Xuân Phương, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) có 60 hộ làm nghề với trên 200 lao động thường xuyên. Như mọi năm, đây là thời điểm các làng mộc mỹ nghệ chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu, hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Thế nhưng, khác với không khí rộn ràng thường thấy, hoạt động tại các làng nghề thời điểm này khá trầm lắng.

Anh Dương Đình Hiệp, Trưởng Làng nghề mộc mỹ nghệ Xuân Phương, cho hay: Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và trong huyện Phú Bình đều có dịch, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu khó khăn, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm, ước giảm 80% số lượng. Chúng tôi buộc phải tạm dừng nhiều đơn hàng, hoạt động tiêu thụ co về nội tỉnh.

Tương tự, tại 4 làng nghề mộc mỹ nghệ còn lại là: Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm và Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu của huyện Phú Bình; Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung và  Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà của T.X Phổ Yên, tình hình cũng ảm đạm không kém. Một số hộ đã tạm ngừng sản xuất, thanh lý máy móc vì không thể nhập nguyên liệu là các loại gỗ cao cấp từ nước ngoài hay ngoại tỉnh, trong khi đó, hàng hóa tiêu thụ chậm do người dân cũng gặp khó khăn bởi dịch, thắt chặt chi tiêu.

Chiếm khoảng 90% tổng số các làng nghề của tỉnh, thời gian qua, các làng nghề chè cũng không tránh khỏi ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lượng khách hàng giảm, giao dịch gặp khó khăn kéo theo giá bán chè cũng giảm từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các hộ làm chè.

Ông Nguyễn Văn Thủy, người dân Làng nghề Chè Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa) cho hay: Ngay sau đợt dịch thứ 4 bùng phát, suốt 2 tháng trời, cơ sở của tôi không có người đến lấy hàng. Cũng may chè là sản phẩm có thể để được lâu, nếu biết cách bảo quản tốt thì chất lượng không bị ảnh hưởng nhiều.

Người dân Làng nghề chè Phú Ninh (Định Hóa) thu hái chè.

Xoay xở để phục hồi

Không loại trừ lĩnh vực nào, dịch bệnh đã, đang ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 263 làng nghề trên địa bàn tỉnh. Do vậy, thích ứng với dịch bệnh, tìm hướng đi mới, phù hợp là giải pháp sống còn của các làng nghề nếu muốn tồn tại và đi qua dịch bệnh.

Đơn cử như tại Làng nghề miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), hơn 40 hộ làm nghề vẫn đều đặn cho ra thị trường những mẻ miến mới, thơm ngon dù dịch bệnh khiến cước vận chuyển hàng hóa tăng gấp gần 2 lần so với trước, nhiều khách hàng nằm trong vùng dịch bị phong tỏa.

Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất miến Việt Cường (đơn vị kinh tế tập thể trong Làng nghề miến Việt Cường), cho biết: Từ đầu năm đến nay, HTX tiêu thụ được khoảng 35-40 tấn miến, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, chúng tôi xác định đây là ảnh hưởng tất yếu, quan trọng là tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì. Thay vì khách đến tận nơi lấy hàng như trước, nay chúng tôi đa phần giao dịch qua điện thoại, Facebook, Zalo… Sau khi xác nhận đơn hàng, chúng tôi sẽ đóng gói và giao hàng thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh hay doanh nghiệp vận tải đến tận nơi.

Điều không ngờ là trong dịch bệnh HTX lại có thêm các khách hàng mới từ mạng xã hội do các thành viên HTX dành nhiều thời gian giới thiệu, quảng bá sản phẩm hơn. Hiện, HTX đang dự trữ khoảng 50 tấn bột khô để làm hàng Tết. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chăm sóc vùng nguyên liệu quy mô khoảng 20ha ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) và xã Tân Hòa (Phú Bình) với khả năng cung cấp 130 tấn bột khô, phòng khi dịch bệnh diễn biến khó lường, không thể nhập bột dong từ tỉnh khác – ông Thuận nói thêm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhiều làng nghề không vì thế mà “ngủ yên”. Bên trong cánh cổng làng nghề, các hộ dân vẫn cần mẫn sản xuất, tìm cách khắc phục.

Anh Dương Đình Tuyến, chủ hộ sản xuất ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Xuân Phương, chia sẻ: Để thu hút khách hàng, tôi thường xuyên cập nhật các mặt hàng với nhiều mẫu mã, chất liệu kèm theo giá công khai trên mạng xã hội để khách hàng tham khảo, trả giá trực tiếp. Đôi lúc phải chấp nhận bán giá “mềm” hơn trước nhưng bán được là vui rồi, lãi ít cũng được, duy trì được việc làm cho thợ qua mùa dịch mới quan trọng. Nhân lúc không quá bận rộn, tôi tranh thủ cập nhật thêm các mẫu đồ gỗ nội thất mới, đang được ưa chuộng để làm hàng mẫu giới thiệu cho khách.

Vốn là những người thợ cần cù, sáng tạo, trong thời điểm làng nghề sản xuất đình trệ do dịch, không ít hộ làm nghề tại các làng nghề khác như làng nghề chè, chế biến nông lâm sản, sinh vật cảnh… cũng đang miệt mài sáng tạo các mẫu mã mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trong làng nghề thì tổ chức lại phương thức quản lý, đào tạo lại đội ngũ lao động để thích ứng với tình hình mới.

Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh cho biết: Dịch bệnh xảy ra đã tác động lên toàn hệ thống các làng nghề, dẫn đến sức mua truyền thống giảm, kéo theo sự giảm mạnh về doanh thu. Thực trạng này đòi hỏi các làng nghề phải đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình, đồng thời, cải thiện mẫu mã, chất lượng. Do vậy, xét ở khía cạnh tích cực, dịch bệnh đã thúc đẩy các làng nghề “trưởng thành” hơn trước yêu cầu khắc nghiệt của thị trường.

Nhằm hỗ trợ cho các làng nghề, vừa qua, Hiệp hội Làng nghề tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị mở 4 lớp tập huấn về xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử, đào tạo nhân lực cho các làng nghề. Thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng làng nghề điểm năm 2021, Hiệp hội đã rà soát, lập danh sách đề nghị tỉnh phê duyệt hỗ trợ gần 200 máy móc thiết bị chế biến chè (mức hỗ trợ gần 600 triệu đồng) cho một số làng nghề trên địa bàn. Sự hỗ trợ này góp phần động viên, khuyến khích các làng nghề vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh…