Chuyện cây quế ở Đồng Đình

08:25, 21/10/2021

Cây quế bén rễ ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hoá) từ những năm 1992. Nhờ loại cây trồng này, cuộc sống của đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Dao nơi đây đang dần thay đổi từng ngày.

Năm 2019, hai xóm Kim Tân 3 và Kim Tân 4 của xã Kim Phượng được sáp nhập và lấy tên là xóm Đồng Đình. Xóm hiện có 88 hộ với gần 300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 60%, còn lại là người dân tộc Kinh, Tày. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, mà gần 30 năm nay, đồng bào nơi đây đã chọn cây quế để phát triển kinh tế gia đình. Cây quế đã góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Ông Triệu Thanh Bình, Trưởng xóm Đồng Đình chia sẻ: Mặc dù cây quế đã được trồng ở xóm từ lâu, nhưng trước đây giá vỏ quế rẻ lắm, chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cho các hộ dân. Từ năm 2015, khi huyện Định Hóa triển khai dự án trồng quế trên địa bàn và định hướng đầu ra cho sản phẩm thì giá bán các sản phẩm từ cây quế cũng tăng lên do có những đơn vị lớn thu mua. Hiện nay, 1kg vỏ quế tươi, bà con bán được với giá trung bình từ 22-27 nghìn đồng, cao gấp 4-5 lần so với thời điểm trước năm 2015. Từ hiệu quả đó, 5 năm trở lại đây, người dân trong xóm không ngừng mở rộng diện tích trồng quế. Đến nay cả xóm Đồng Đình có khoảng 60ha quế.

Nhờ cây quế, đời sống của người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hoá) ngày càng khấm khá. Mới đây, bà con trong xóm đã tự nguyện góp 2 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa.

Với 6ha quế, trong đó có 4ha đang cho thu hoạch, gia đình bà Bàn Thị Minh là một trong những hộ có diện tích trồng quế lớn nhất xóm Đồng Đình. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ cây quế. Bà Minh cho hay: Trên các đồi quế của gia đình tôi hiện vẫn còn nhiều cây được trồng từ năm 1992. Nếu gia đình tôi khai thác toàn bộ diện tích quế đang cho thu hoạch thì có thể thu được hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, do quế là cây gỗ lớn, có thể trồng hàng chục năm và khai thác trong thời gian dài nên gia đình tôi vẫn chỉ khai thác tỉa để quay vòng vốn.

Cách nhà bà Minh không xa là gia đình ông Bàn Kim Ngọc, ông Ngọc cũng là một trong những hộ dân trồng quế đầu tiên ở xóm Đồng Đình. Mặc dù chỉ có hơn 1ha quế nhưng thu nhập từ loại cây này giúp ông Ngọc đủ điều kiện nuôi các con ăn học, xây dựng nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình... Ông Ngọc cho biết: Nếu so với các loại cây trồng lâu năm khác như bạch đàn, keo, mỡ... thì cây quế đem lại lợi ích kinh tế cao hơn. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể bán được và có nguồn thu nhập quanh năm. Hiện nay, các thương lái đến tận nơi thu mua vỏ quế tươi với giá 22–27 nghìn đồng/kg; 1.500 đồng/kg lá, cành khô; thân cây có giá từ 1-1,7 triệu đồng/m3 tuỳ theo kích thước.

Từ mỏm đồi của gia đình ông Ngọc, phóng tầm mắt ra xa là ngút ngàn những những đồi quế xanh tốt. Trưởng xóm Triệu Thanh Bình trầm ngâm: Chính những mảnh đồi này đã đem đến cuộc sống ấm no cho người dân Đồng Đình. Xóm hiện chỉ còn 5 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, thuộc hàng thấp nhất nhì trong xã. Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện đóng góp để xây dựng các công trình nông thôn. Cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, những năm gần đây, người dân trong xóm đã hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động, tiền của để xây dựng 3km đường bê tông trục chính. Đặc biệt, vừa qua, bà con đã tự nguyện góp 2 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa xóm với 150 chỗ ngồi và khu vui chơi thể thao...