Dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhìn vào chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý III/2021 tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước có thể thấy các DN đang có sự phục hồi tích cực. Các DN đều nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với những điều kiện sản xuất, kinh doanh (SXKD) mới.
Tái cơ cấu sản phẩm là một trong những giải pháp được nhiều DN áp dụng để có thể ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ: Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ khiến cho các DN may lao đao do bị đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu và đơn hàng xuất khẩu.
Để vượt qua khó khăn này, giải pháp của TNG đó là cơ cấu lại sản phẩm. Cụ thể, từ cuối năm 2020 đến nay, ngoài may quần áo xuất khẩu truyền thống, TNG đã không ngừng nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm như đồ bảo hộ lao động, vật tư y tế (khẩu trang, bộ đồ phòng dịch), lều cắm trại xuất khẩu... Nhờ đó, kết quả SXKD trong 9 tháng qua của Công ty đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và hoàn thành được 85% kế hoạch năm. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, TNG sẽ sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất.
Ngoài TNG, một số các DN cùng ngành nghề như Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP May Thành Hưng... cũng đã phục hồi sản xuất kinh doanh từ 80-90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng cho biết: Đến nay, Công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch COVID-19, đó là sự thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, thiếu việc làm cho người lao động. Vào thời điểm đó, Công ty phải “thắt lưng buộc bụng” các khoản chi để hỗ trợ lương cho công nhân; đồng thời xoay xở tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới...
Sản xuất phụ tùng xe ô tô tại Công ty CP Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công).
Không riêng các DN trong nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phải thay đổi trước dịch COVID-19, tận dụng những cơ hội trong gian khó để duy trì ổn định SXKD. Công ty TNHH KH Heat Technology Thái Nguyên ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) là đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần trục Cam cho các hãng xe máy Yamaha, Honda...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong năm 2020, các đơn hàng của Công ty liên tục bị cắt giảm, nhưng kể từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn hàng đã tăng trên 30% so với thông thường. Chị Bùi Kim Ngân, phụ trách lĩnh vực Hành chính - Nhân sự của Công ty phấn khởi cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu của Công ty chúng tôi liên tục tăng. Sở dĩ có được điều này là do các nước như Nhật Bản, Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều đơn hàng tại những nước này dịch chuyển qua Việt Nam...
Tương tự, tại Công ty TNHH Wiha Việt Nam ở Khu công nghiệp Sông Công I (T.P Sông Công) - chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay (như kìm, tua vít, búa...) cũng có những tín hiệu đáng mừng. Ông Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Kể từ tháng 6-2021 trở lại đây, các đơn hàng của Công ty đã tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm trước (tương đương 2.500-3.000 sản phẩm/tháng). Đây là cơ hội gia tăng giá trị sản xuất nhưng cũng là thách thức đối với DN.
Vì thế, để “chớp” được cơ hội này, từ tháng 6 đến nay, Công ty tập trung tổ chức lại sản xuất. Cụ thể là nâng từ 2 ca sản xuất lên 3 ca/ngày; tuyển thêm 200 lao động để đáp ứng kịp số lượng sản phẩm theo các đơn hàng. Hiện nay, Công ty vẫn đang tiếp tục tuyển thêm người lao động và chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm 1 phân xưởng sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, công nhân làm việc tại Xưởng kìm (Công ty TNHH Wiha Việt Nam) chia sẻ: Mặc dù bị ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nhưng Công ty vẫn luôn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động (mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng). Vì thế, chúng tôi rất yên tâm và có thêm động lực để cùng đơn vị tiếp tục vượt qua khó khăn…
Theo đánh giá Sở Công Thương, do công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi để các DN duy trì ổn định SXKD, đặc biệt nhiều đơn vị, DN còn tìm kiếm, ký kết thêm được đơn hàng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đó, tính chung trong 9 tháng qua, nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Tai nghe đạt 34,8 triệu chiếc, tăng 17%; sắt thép các loại trên 1,2 triệu tấn, tăng 11,5%; xi măng đạt trên 3,75 triệu tấn, tăng 10,4%...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít DN gặp khó khăn như nhóm ngành công nghiệp khai khoáng; điện sản xuất... Vì thế, để hoàn thành kế hoạch năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trong quý IV cần đạt 230,8 nghìn tỷ đồng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía các DN, đặc biệt là các DN thuộc các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Máy tính bảng, điện thoại thông minh, linh kiện điện tử... Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực tự thân, các DN mong muốn tiếp tục nhận được thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các chương trình, chính sách như gia hạn thời gian đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, giảm lãi suất vay ngân hàng...