Thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao kỷ lục đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải chịu ảnh hưởng nặng khi xăng, dầu tăng giá, trong khi Bộ Giao thông - Vận tải vừa cho phép khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh từ hôm nay (13-10).
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.100 DN, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động của các DN, hộ kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết cơ sở vận tải chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi không ít DN phải tạm dừng hoạt động. Đơn cử như Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, khoảng 6 tháng trở lại đây, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh của đơn vị (chiếm khoảng 70% doanh thu) phải dừng. Hiện đơn vị chỉ duy trì 160 đầu xe (trong tổng số hơn 300 đầu xe) và nhiều tháng nay, hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ.
Những ngày gần đây, khi dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành đã cơ bản được kiểm soát, Bộ Giao thông - Vận tải quyết định thí điểm khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Đây là một tin rất vui đối với các DN vận tải. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các DN không khỏi băn khoăn, lo lắng khi hoạt động trở lại.
Ông Nghiêm Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Chùa Hang nói: Đơn vị có gần 400 xe vận tải hành khách, gồm: Taxi, hành khách liên tỉnh và xe buýt. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá cước vận tải. Với giá xăng dầu hiện nay, đơn vị đang phải bù lỗ vì lượng khách rất ít.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: Do nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân hiện nay vẫn rất thấp, trong khi đó, giá xăng dầu lại tăng cao nên chúng tôi chưa tính đến việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Thời điểm này, nếu hoạt động chắc chắn DN sẽ thua lỗ.
Giá xăng dầu hiện nay đang cao hơn khoảng 5.000/lít so với đầu năm 2021 và đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Giá xăng dầu tăng cao cùng với tác động của dịch COVID-19 không chỉ khiến các DN kinh doanh vận tải hành khách điêu đứng mà các DN kinh doanh vận tải hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Trần Tuấn Sang, Giám đốc DN Vận tải Tuấn Sáng, xã Cù Vân (Đại Từ), cho biết: Chúng tôi có 20 đầu xe vận tải hàng hóa nhưng hiện chỉ có 3 đầu xe hoạt động thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, hợp đồng vận chuyển hàng hóa giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí phát sinh lớn do giá xăng liên tục tăng, cộng với chi phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe. Mặc dù giá cước vận tải hiện nay không đủ trang trải chi phí đầu vào nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động và không tăng giá cước để giữ chân khách hàng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên cho biết: Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây cùng với tác động của đại dịch COVID-19 khiến các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện các DN vẫn chưa tính đến phương án tăng giá cước vận tải. Nhưng nếu thời gian tới, giá xăng dầu không giảm thì chắc chắn các DN vận tải sẽ phải tăng giá cước để bù chi phí đầu vào.
Từ chiều 11-10, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 930 đồng lên mức 22.870 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng lên mức 21.680 đồng/lít; dầu diesel tăng 960 đồng lên mức 17.540 đồng/lít… Đây là đợt tăng giá xăng dầu thứ 3 liên tiếp chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây và là lần tăng giá thứ 7 từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu thời điểm hiện tại cao hơn khoảng 5.000/lít so với đầu năm 2021 và đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. |