Khởi sắc ở vùng đất khó

08:36, 02/10/2021

Từng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ, những năm gần đây, xã Mỹ Yên đã nỗ lực vượt khó, thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện nay, địa phương đang dồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025.

Xã Mỹ Yên có tổng diện tích đất tự nhiên gần 3.400ha, nhưng phần lớn thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo (chiếm trên 60%). Đất sản xuất nông nghiệp có gần 900ha nhưng không tập trung mà rải rác dưới các chân núi, do vậy, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Vào mùa mưa, nước từ trên núi đổ về ồ ạt, gây ra lũ ống, lũ quét, cuốn theo nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Mặc dù điều kiện không mấy thuận lợi như vậy, song, bằng việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay tích cực từng ngày. Bà Chu Thị Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên cho biết: Toàn xã có gần 1.700 hộ dân, gần 7.000 nhân khẩu. Trong đó, có gần 5.800 người trong độ tuổi lao động. Những năm gần đây, số hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ 137 hộ (năm 2016) xuống chỉ còn 34 hộ như hiện nay, giảm ¾ số hộ nghèo trên địa bàn. Để có được kết quả đó, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm qua, xã khuyến khích người dân cải tạo, trồng mới, trồng thay thế giống chè trung du chất lượng thấp sang trồng chè cành năng suất, hiệu quả kinh tế cao; chuyển đổi những diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hiện, toàn xã có 162ha chè, trong đó 140ha là chè kinh doanh, diện tích chè chất lượng cao chiếm hơn 70%, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha.

Một số hộ sản xuất chè đã liên kết lại để hình thành các tổ hợp tác (THT), chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đơn cử như THT sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP xóm La Yến và THT sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP Bắc Hà 2. 

Cùng với đẩy mạnh phát triển cây chè, việc luân canh, gối vụ các loại cây lương thực, rau màu là cách mà người dân Mỹ Yên đang thực hiện nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm của xã đạt gần 3.100 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 56 tạ/ha. Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xã khuyến khích, tạo điều kiện để đa dạng hóa các ngành nghề. Hiện, xã có 108 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, tạo việc làm ổn định trên 200 lao động. 

Anh Nguyễn Văn Thực, Tổ trưởng THT sản xuất đồ gỗ Lương Thực, xóm Đầm Pháng cho hay: Từ số tiền tích góp được và vay mượn của người thân, năm 2016, tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua các loại máy móc mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng. Cuối năm 2020, tôi mạnh dạn kêu gọi 6 cơ sở sản xuất đồ gỗ trong xã liên kết để thành lập THT với mong muốn mở rộng thị trường và đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Ngoài số lao động tại địa phương, khoảng 30% người dân đang làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh với thu nhập ổn định cũng tích cực đóng góp vào sự phát triển của Mỹ Yên. Đời sống của người dân ngày một nâng lên cho phép xã huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, đặc biệt là xây dựng NTM. Mỹ Yên đang phấn đấu đạt mục tiêu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2025.