Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có trên 74 nghìn hội viên. Sau những năm rèn luyện, cống hiến trong quân ngũ góp phần bảo vệ Tổ quốc trở về đời thường, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, họ lại quyết tâm vượt khó, thắng “giặc nghèo”, trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Lê Đình Việt, ở xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Lào. Năm 1976, ông Việt xuất ngũ trở về địa phương với nhiều vết thương và được công nhận là thương binh hạng ¼. Sức khỏe yếu song với ý chí của người lính từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường, ông quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế bằng cách đầu tư mô hình vườn – ao – chuồng. Đến nay, gia đình ông Việt có trên 4.000m2 ao cá, 0,6ha trồng bưởi, mía, hàng trăm con lợn, gà, vịt. Trung bình mỗi năm, ông thu về hơn 130 triệu đồng.
Ông Việt bảo: Mô hình này phù hợp với đồng đất và điều kiện sức khỏe của tôi, vừa đảm bảo kinh tế cho gia đình. Dù sức khỏe yếu nhưng tôi quan niệm “sức mình đến đâu thì làm đến đó”, một người lính không thể đầu hàng số phận.
Cùng chung quan điểm với ông Việt, ở xóm Phương Đông, xã Phương Giao, vùng đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện vùng cao Võ Nhai, CCB Nguyễn Văn Phúc đã người mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất đồi bãi kém hiệu quả sang trồng 500 gốc bưởi. Ngoài ra, ông nuôi thêm trâu, gà, trồng 20ha rừng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hay một tấm gương khác tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế là CCB Nguyễn Minh Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Nam Ninh (ở phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên). Mỗi năm, Công ty đạt doanh thu trên 70 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 30-50 công nhân với mức thu nhập từ 7,5-8,5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng bưởi kết hợp chăn nuôi, trồng rừng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình CCB Nguyễn Văn Phúc, ở xóm Phương Đông, xã Phương Giao (Võ Nhai).
Theo báo cáo của Hội CCB tỉnh, giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 3.870 tổ hợp tác, trang trại, gia trại, hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động. Trong số đó, 23 doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm, 56 hợp tác xã, trang trại có doanh thu 10 tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Để khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên của hội viên trong phát triển kinh tế, hàng năm, hội CCB các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền về phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Các cấp hội thường xuyên tổ chức quán triệt nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho cán bộ, hội viên; hỗ trợ hội viên tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình; xây dựng các mô hình góp vốn xoay vòng giúp nhau giảm nghèo.
Ở nhiều nơi còn thành lập các câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất kinh doanh giỏi như: Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi xã Cao Ngạn, xã Tân Cương, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên)... Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương CCB vươn lên làm giàu chính đáng, hỗ trợ đắc lực cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến nay, tỷ lệ hộ CCB nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 1% (giảm 3% so với năm 2016). Toàn tỉnh hiện có gần 29.000 hộ CCB khá và giàu; 136 xã, phường không có hội viên CCB nghèo theo tiêu chí đa chiều. Các cấp hội đã huy động mọi nguồn lực tham gia sửa chữa, xây mới 257 nhà cho CCB nghèo (cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên CCB thuộc diện gia đình chính sách); 9/9 huyện, thành, thị có chi hội doanh nhân CCB, mỗi năm hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo…