Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn và dần đẩy lùi dịch COVID-19, các thành phố lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... - đầu tàu các vùng kinh tế trọng điểm đang quyết liệt triển khai các kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021, quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm 2021, các địa phương đều nỗ lực tập trung cao độ, kiên định thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống; đồng thời, tập trung tăng tốc, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trở lại nhịp sống sôi động
Nhịp sống của T.P Hà Nội dần sôi động trở lại khi hầu hết các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ... được phép hoạt động sau hai tháng giãn cách xã hội. Nhằm kích cầu tiêu dùng, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đều triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá, thu hút khá đông người mua sắm.
Tuy nhiên, các cửa hàng, doanh nghiệp và người dân đều tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đại diện Công ty cổ phần Vincom Retail cho biết, đơn vị đã triển khai năm lớp bảo vệ “Trung tâm thương mại xanh”, yêu cầu toàn bộ nhân viên, khách hàng tuân thủ quy tắc 5K, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế điện tử và giữ khoảng cách khi mua sắm, thanh toán. Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông kiểm soát số người vào mua sắm bằng cách tạm dừng nhận khách khi lượng người bên trong quá đông.
Tại T.P Hồ Chí Minh, từ ngày 1-10, phần lớn các hoạt động kinh doanh, thương mại đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động bán lẻ, cung ứng hàng hóa được nới lỏng hơn. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được tiếp đón khách vãng lai, không cần giấy giới thiệu hoặc “phiếu đi chợ” do chính quyền cấp như trước.
Tuy vậy, khách hàng đến mua sắm được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như phải có “Thẻ xanh COVID-19”, kiểm tra mã QR, tuân thủ 5K... Sáng 2/10, Công ty Giga Market đã đưa vào hoạt động khu bán hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm tại Trung tâm thương mại Gigamall (số 240 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, T.P Thủ Đức). Khu bán hàng là một nhà bạt lớn ở không gian ngoài trời, không sử dụng máy lạnh, thuận tiện cho người dân đến mua sắm, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Đây là nơi phân phối cho người dân những mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu chất lượng và giá cả bình ổn, với nguồn hàng từ các tỉnh và thành phố đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ.
Không khí kinh doanh sôi động ở T.P Cần Thơ đã dần được khôi phục. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động, nhưng chỉ bán mang đi và phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Chị Lê Thị Hạnh bán bún nem nướng ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, T.P Cần Thơ phấn khởi chia sẻ: “Tôi nghỉ bán hàng hơn hai tháng do giãn cách xã hội, nay được phép mở bán trở lại, tôi rất mừng vì có việc làm, có thu nhập.
Cửa hàng luôn bảo đảm an toàn theo quy định nhằm bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng”. Theo đại diện Sở Công Thương T.P Cần Thơ, trong tháng 9, có 138 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm. Hiện có 80 doanh nghiệp tiếp tục gửi phương án sản xuất, kinh doanh; qua thẩm định của các cơ quan chức năng, 23 doanh nghiệp có phương án khôi phục lại sản xuất; 29 phương án đang hướng dẫn bổ sung, thực hiện lại để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Người dân mua sắm thực phẩm tại một siêu thị ở T.P Hồ Chí Minh.
Tăng ca sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng
Dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát đã tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp sôi động trở lại. Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, Hà Nội), toàn bộ hơn 2.400 công nhân đã trở lại sản xuất. Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Đỗ Thanh Bình cho biết: “Công ty đang cố gắng hoàn tất việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người lao động và tiếp tục duy trì triệt để các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, khuyến khích người lao động tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ để kịp tiến độ các đơn hàng, cũng như chỉ tiêu sản xuất những tháng cuối năm”. Tổng Công ty May 10 (quận Long Biên) triển khai các phương án, kế hoạch vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Tập thể cán bộ, người lao động tập trung cao độ để sản xuất kịp tiến độ các đơn hàng. Chị Nguyễn Lan Phương, công nhân Công ty May 10 chia sẻ: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi có thêm việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống hơn”.
T.P Cần Thơ đã ban hành phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh theo từng ngành nghề, địa bàn cụ thể, phù hợp tình hình kiểm soát dịch bệnh. Thành phố khôi phục lại sản xuất theo ba bước, bước 1 cho phép 30% số lượng công nhân quay lại làm việc khi phương án sản xuất được phê duyệt; bước 2 cho phép từ 30% - 50% số công nhân làm việc; bước 3 cho phép hơn 50% số công nhân tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo đảm vận hành tốt bước 1, bước 2 sẽ được chấp thuận chuyển sang bước 3, hoạt động trở lại bình thường. Doanh nghiệp nào không bảo đảm an toàn sẽ phải thực hiện lại bước 1, bước 2. Do đó, các doanh nghiệp muốn sản xuất trở lại phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đủ điều kiện doanh nghiệp mới hoạt động, nếu không thì tiếp tục tạm dừng.
T.P Đà Nẵng đang thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào hai thế mạnh là du lịch và công nghệ cao - công nghệ thông tin (CNTT). Ông Kim Jong Bok, Giám đốc Công ty LG Vietnam Hải Phòng - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đồng hành cùng thành phố trong chiến lược biến CNTT thành lĩnh vực công nghệ cốt lõi, LG Đà Nẵng tập trung phát triển nguồn nhân lực, cải thiện quy trình làm việc và đào tạo phù hợp với điều kiện dịch bệnh, giúp công ty có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực CNTT. Đồng thời, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác với những chuyên gia hàng đầu để có thể trở thành Trung tâm nghiên cứu phát triển hàng đầu thế giới trong lĩnh vực linh kiện xe hơi.
Trong suốt những ngày tình hình dịch bệnh căng thẳng ở nhiều địa phương trong cả nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn T.P Hải Phòng vẫn được duy trì. Công ty cổ phần Luyện thép cao cấp Việt Nhật tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền từ đầu năm 2021 đến nay bảo đảm sản xuất liên tục.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Quang Huy cho biết, doanh nghiệp là một trong những đơn vị tiên phong của Hải Phòng trong thực hiện “ba tại chỗ” để bảo đảm an toàn cho sản xuất trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Chín tháng qua, tuy sản lượng chỉ đạt khoảng 80% năng lực do nhu cầu thị trường tiết giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất đều đặn với sản lượng khoảng 350 nghìn tấn thép, bảo đảm việc làm ổn định cho 720 lao động...
Thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả
Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh vừa tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã đề ra đòi hỏi sự tập trung quyết tâm cao độ của các địa phương, tạo cơ sở cho hành động và việc làm cụ thể.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, để giữ vững thành quả chống dịch, đồng thời bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chương trình công tác lớn, thành phố yêu cầu, ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh. Thành phố sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố đang tập trung mở rộng diện bao phủ vắc-xin trên địa bàn để có thể dần mở cửa và khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm như Cầu Rào, đường Đông Khê 2... Đồng thời, từng bước khởi động các hoạt động du lịch và chuẩn bị cơ sở để phát triển mạnh mẽ tiềm năng kinh tế du lịch của thành phố Cảng...
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hiện nay dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát, nhưng mầm bệnh vẫn còn. Vì thế mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi người dân phải quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, tiến tới ngăn chặn thành công dịch bệnh, từng bước mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.