Tạo “lá chắn” bảo vệ vật nuôi

11:09, 25/10/2021

Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, trên địa bàn T.P Sông Công đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi và bệnh tai xanh trên đàn lợn tại 2 xóm, tổ dân phố của 2 xã, phường khiến số lợn ốm, chết, phải tiêu hủy là trên 80 con, tổng trọng lượng hơn 7.100kg. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thành phố đã triển khai các giải pháp nhằm khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn, tạo “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Sông Công, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn từ ngày 7-10, tại 1 hộ chăn nuôi, ở tổ dân phố Ngo Quán, phường Cải Đan, số lợn ốm chết phải tiêu hủy đến nay là 37 con (5 lợn nái, 32 lợn thịt), tổng trọng lượng trên 4.900kg. Bệnh tai xanh xuất hiện từ ngày 17-10, tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang, số lợn ốm chết, phải tiêu hủy đến nay là 44 con (2 lợn nái, 4 lợn thịt) với tổng trọng lượng hơn 2.100kg.

Theo ông Cù Xuân Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Sông Công, dịch bệnh xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguyên nhân một phần là do khi lợn bị ốm, chết, người dân đã tự chữa trị, tiêu hủy hoặc bán “chạy” mà không khai báo với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Mặt khác, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, việc mua bán, vận chuyển lợn thời gian này tăng cao, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn, dẫn đến nguy cơ lây lan, tái bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…  

Xác định nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh thời điểm cuối năm là rất cao, do nhu cầu chăn nuôi tăng mạnh để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Do vậy, ngay sau khi xảy ra dịch bệnh tại các xã, phường, thành phố đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện khoanh vùng tất cả các ổ dịch; cách ly khu vực có mầm bệnh, vật nuôi nhiễm bệnh; vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng thường xuyên… Thành phố cũng đã cấp hơn 800 lít hóa chất để các địa phương triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, trục đường chính, các chợ.

Phun hóa chất khử trùng tại khu vực chợ Mỏ Chè.

Trên cơ sở thống kê, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn, thành phố đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không tự ý chữa trị, mổ khám, bán “chạy”, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan… Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét và tiêm bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh tai xanh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện khai báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi phát hiện lợn ốm, chết hoặc có triệu chứng của bệnh dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. UBND các xã, phường chỉ đạo các trưởng xóm, tổ dân phố, cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ động vật, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh…

Là một trong những hộ dân bị thiệt hại trong đợt dịch này, hiện nay, chị Dương Thị Na, ở tổ dân phố Ngo Quán, phường Cải Đan đã tích cực áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đến nay, 19/67 con lợn thịt còn sống sót sau đợt dịch đã được tiêm phòng vắc xin và cách ly, chăm sóc ở khu vực riêng biệt; thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn gia đình chị tái đàn sau 21 ngày, kể từ khi tiêu hủy con lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn nuôi tại cơ sở.

Tại Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, từ tháng 9-2021 đến nay, đơn vị đã tái đàn khoảng 100 con lợn giống/tháng để chuẩn bị các lứa lợn kế cận, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ngoài việc chủ động con giống, hợp tác xã đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; phun khử khuẩn chuồng trại hằng ngày; đảm bảo khẩu phần ăn để vật nuôi tăng sức đề kháng… Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, hiện nay, đàn lợn của Hợp tác xã đang phát triển tốt, dự kiến cung ứng thị trường Tết Nguyên đán trên 15 tấn lợn hơi.

T.P Sông Công hiện có 17 trang trại, 150 gia trại chăn nuôi lợn, với tổng số hơn 24 nghìn con. Đây là thời điểm người dân bắt đầu vào vụ chăn nuôi phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, do vậy, ngoài việc xử lý dịch bệnh ở những hộ nuôi đã bị xâm nhiễm thì việc bảo vệ hệ thống trang trại, gia trại chăn nuôi gia công cơ quy mô lớn đang là nhiệm vụ cấp bách được các cấp, ngành trên địa bàn thành phố quyết liệt triển khai, nhằm bảo vệ vật nuôi trước nguy cơ dịch bênh.